[ST] CÁCH XƯNG HÔ TRONG CUNG ĐÌNH CỦA NGƯỜI VIỆT XƯA (TT)

Đăng bởi: Sử Văn Các - lúc: 11:26:54 - 10/12/2020 - tại: Lịch sử
Đọc: 3874
[ST] CÁCH XƯNG HÔ TRONG CUNG ĐÌNH CỦA NGƯỜI VIỆT XƯA (TT)
*Dựa theo Đại Việt SKTT, lưu ý Đại Việt SKTT là văn bản tiếng Hán, những ghi chép dưới đây chỉ là bản dịch, nên nó thể hiện quan điểm của người dịch thuật. Tuy nhiên, cũng rất đáng tham khảo về cách xưng hô trong cung đình Việt thời Lý, Trần xưa.

 

TA – TRẪM – BỆ HẠ

Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng: "Đó là công việc của nông phu, BỆ HẠ cần gì làm thế?" Vua nói: "TRẪM không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo?" Nói xong đẩy cày ba lần rồi thôi. Tháng 3, vua về Kinh sư.

*

ĐIỆN HẠ – PHỦ HẠ – CÁC HẠ – MÔN HẠ – ĐẠI NHÂN – QUAN TRƯỞNG

Vào năm 1487 có ghi chép về lệnh xưng hô danh hiệu: Như thân vương thì người dưới xưng là "ĐIỆN HẠ", tự thân vương là "PHỦ HẠ"; công, hầu, bá, phò mã và nhất nhị phẩm thì xưng là "CÁC HẠ"; nhị phẩm, tam phẩm là "MÔN HẠ"; tứ, ngũ, lục phẩm là "ĐẠI NHÂN"; thất, bát, cửu phẩm là "QUAN TRƯỞNG"...

*

CON – CHA – MẸ

Mùa hạ, tháng 4, vua ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện. Khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng: "TA yêu CON TA cũng như lòng ta làm CHA MẸ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, TRẪM rất thương xót, từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm".

*

TA – NGƯƠI

Huệ Tông đứng dậy, phủi tay nói: "Điều NGƯƠI nói, TA hiểu rồi". Đến nay, sai người bày biện hương hoa đến bảo [Huệ Tông]: "Thượng phụ sai THẦN đến mời".. Thượng hoàng nhà Lý nói: "TA tụng kinh xong sẽ tự tử". Nói rồi vào buồng ngủ khấn rằng: "Thiên hạ nhà TA đã vào tay NGƯƠI, NGƯƠI lại còn giết TA, ngày nay TA chết, đến khi thác con cháu NGƯƠI cũng sẽ bị như thế".

*

BỆ HẠ – THẦN

Vua ngự thuyền nhỏ đến thuyền Thái úy Nhật Hiệu hỏi kế sách (chống giặc). Nhật Hiệu đương dựa mạn thuyền, cứ ngồi chứ không đứng dậy nổi, chỉ lấy ngón tay chấm nước viết hai chỉ "nhập Tống" lên mạn thuyền. Vua hỏi quân Tinh Cương ở đâu? (Tinh Cương là quân do Nhật Hiệu chỉ huy). Nhật Hiệu trả lời: "Không gọi được chúng đến." Vua lập tức dời thuyền đến hỏi Thái sư Trần Thủ Độ, Thủ Độ trả lời: "Đầu THẦN chưa rơi xuống đất, BỆ HẠ đừng lo gì khác".

*

GỌI THÁI HẬU, THÁI TỬ LÀ ĐIỆN HẠ

Bấy giờ thái hậu muốn làm việc phế lập, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ là Nữ thị. Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách. Hiến Thành trả lời: "Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm, huống chi lời của TIÊN ĐẾ còn ở bên tai, ĐIỆN HẠ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? THẦN không dám vâng chiếu". Việc bèn thôi.

*

TA – CHA – MẸ – ĐIỆN HẠ – THẦN – CÁC KHANH

Thái tử úy lạo rằng: "TA sở dĩ được gánh vác cơ nghiệp to lớn của tiên đế, toàn vẹn được thân thể của CHA MẸ để lại đều là nhờ sức của CÁC KHANH cả. TA thường xem sử nhà Đường thấy Uất Trì Kính Đức giúp nạn vua, tự nghĩ là bề tôi đời sau không ai sánh được. Ngày nay gặp biến, mới biết Phụng Hiểu còn trung dũng hơn Kính Đức nhiều". Phụng Hiểu lạy tạ hai lạy nói: "Đức của ĐIỆN HẠ cảm động cả trời đất, kẻ nào manh tâm mưu đồ gì khác thì trời đất thần linh đều làm hết chức phận mà giết đi, bọn THẦN có công sức gì!"

*

BỆ HẠ – TRẪM – THIẾP: VUA VỚI PHI TẦN

Vua ngự ở hành dinh, ban yến cho các quan hầu và tướng súy, ngầm chỉ Định thắng đại tướng là Nguyễn Khánh mà bảo các phi tần rằng: "Khánh thế nào cũng làm phản". Các phi tần đều kinh ngạc hỏi: "BỆ HẠ làm sao mà biết? Xin nói cho nghe nguyên do". Vua nói: "Khánh trong lòng không bình thường, nhìn TRẪM có vẻ hổ thẹn, đi đứng thất tiết, nói làm trái thường. Lấy đó mà xem đủ biết là nó có ý khác, hình trạng làm phản rõ rồi". Các phi tần đều lạy hai lạy nói: "Bọn THIẾP nghe nói thánh nhân thấy được chỗ chưa hiện hình, biết trước việc chưa xảy ra, nay được chính mắt trông thấy".

*

HẠ THẦN – ĐỨC CHÍ TÔN – CHÚ 2 – MÀY

Vua (Thánh Tông) cùng anh là Tĩnh Quốc Đại Vương Quốc Khang cùng vui đùa trước mặt Thượng hoàng (Thái Tông). Thượng hoàng lúc bấy giờ mặc áo vải bông trắng. Tĩnh Quốc múa điệu múa của người Hồ, hượng hoàng cởi áo ban cho Quốc Khang. Vua cũng múa điệu múa của người Hồ để xin chiếc áo ấy. Quốc Khang nói: "Cái quý nhất là ngôi hoàng đế, HẠ THẦN còn không tranh với CHÚ HAI. Nay ĐỨC CHÍ TÔN ban cho thần một vật nhỏ mọn mà CHÚ HAI cũng muốn cướp lấy chăng?". Thượng cả cười nói: "Thế ra MÀY coi ngôi vua với cái áo xoàng này chẳng hơn kém gì nhau". Khen ngợi hồi lâu rồi [thượng hoàng] cho Tĩnh Quốc chiếc áo ấy. Trong chỗ cha con, anh em hòa thuận vui vẻ như vậy đấy.

*

CHỊ CHỊ – EM EM

Bấy giờ Thượng hoàng xuất gia, tu ở ngọn Tử Tiêu núi Yên Tử, tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ. Bà chị là Thiên Thụy ốm nặng, Thượng hoàng xuống núi, tới thăm và bảo: "Nếu CHỊ đã đến ngày đến giờ thì cứ đi, thấy âm phủ có hỏi thì trả lời rằng: Xin đợi một chút, EM là Trúc Lâm đại sĩ sẽ tới ngay".

*

Trước đây, vua vốn không có ý định làm vua. Công chúa Thiên Ninh bảo: "Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông mình, sao lại vứt bỏ nước cho kẻ khác ? ANH phải đi đi, EM sẽ đem bọn gia nô dẹp nó cho!"

*

GỌI THẲNG TÊN HIỆU – HẮN – BỆ HẠ

Trước đó, vua cho công chúa Thiên Thành đến ở trong dinh Nhân Đạo Vương (Nhân Đạo Vương là cha Trung Thành Vương). Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không làm thế nào được, mới nhân ban đêm lẻn vào chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng. Công chúa Thụy Bà (chị ruột của Thái Tông, cô của Quốc Tuấn, nuôi Quốc Tuấn làm con) liền đến gõ cửa điện cáo cấp. Người coi cửa vội vào tâu. Vua hỏi có việc gì, Thụy Bà trả lời: "Không ngờ QUỐC TUẤN ngông cuồng càn rỡ, đang đêm lẻn vào chỗ THIÊN THÀNH, NHÂN ĐẠO đã bắt giữ HẮN rồi, e sẽ bị hại, xin BỆ HẠ rủ lòng thương, sai người đến cứu"

*

MỤ – ÔNG – TA – NGƯƠI

Linh từ quốc mẫu có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại,về dinh khóc bảo Thủ Độ:  “MỤ này làm vợ ÔNG, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế". Thủ Độ tức giận, sai đi bắt. Người quân hiệu ấy nghĩ rằng mình chắc phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực trả lời. Thủ Độ nói: "NGƯƠI ở chức thấp mà giữ được luật pháp, TA còn trách gì nữa". Lấy vàng lụa thưởng cho rồi cho về.

*

QUAN GIA: (ĐỂ CHỈ VUA KHI VẮNG MẶT) TỪ NÀY ÍT SỬ DỤNG, TRONG DÂN GIAN VẪN GỌI LÀ VUA

Bấy giờ Uy Văn Vương Toại lấy con gái của Thượng Hoàng là công chúa Thụy Bảo. [Toại] tự hiệu là Sầm Lâu, có Sầm Lâu tập lưu hành ở đời. Vua từng hỏi ông nghĩa chữ "Quan gia". Ông đáp: "Năm đời đế lấy thiên hạ làm của công (quan), ba đời vương lấy thiên hạ làm của nhà (gia) nên gọi là quan gia".

*

Trước kia, Thánh Tông thân đi đánh giặc, Quang Khải theo hầu, ghế tể tướng bỏ không, vừa lúc có sứ phương Bắc đến. Thái Tông gọi Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn tới bảo: "THƯỢNG TƯỚNG đi theo hầu vắng, TRẪM định lấy KHANH làm Tư đồ để tiếp sứ phương Bắc".

Quốc Tuấn trả lời: "Việc tiếp sứ giả, THẦN không dám từ chối, còn như phong THẦN làm Tư đồ thì THẦN không dám vâng chiếu. Huống chi QUAN GIA đi đánh giặc xa, QUANG KHẢI theo hầu mà BỆ HẠ lại tự ý phong chức, thì tình nghĩa trên dưới, e có chỗ chưa ổn, sẽ không làm vui lòng QUAN GIA và QUANG KHẢI. Đợi khi xa giá trở về, sẽ xin vâng mệnh cũng chưa muộn".

*

Bấy giờ thợ xăm đã đợi mệnh ở ngoài cửa cung. Vua rình lúc Thượng hoàng quay nhìn chỗ khác, về ngay cung Trùng Hoa. Một lúc lâu, Thượng hoàng hỏi Quan gia đâu rồi, các quan tả hữu thưa là đã về cung Trùng Hoa. Thượng hoàng bảo: “QUAN GIA đã trốn rồi chăng? Thì xăm cho HUỆ VŨ QUỐC CHUẨN vậy".

*

Vua thích vi hành, cứ đêm đến, lại lên kiệu, cùng với hơn chục thị vệ đi khắp trong kinh kỳ, gà gáy mới trở về cung. Có đêm, ra đến quân phường, bị bọn vô lại ném gạch trúng vào đầu vua. Người theo hầu thét lên: "Kiệu VUA đấy". Bọn chúng biết nhà vua, mới tan chạy cả. Một hôm, thượng hoàng thấy đầu vua có vết thương, vặn hỏi, vua cứ thực mà thưa. Thượng hoàng giận dữ hồi lâu.

*

NHÀ VUA – BỌN THẦN

Vua thân đi đánh Ai Lao. Triều thần can rằng: "Giặc Hồ vùa rút, vết thương chưa lành, đâu đã có thể dấy binh đao!". Vua nói: "Chỉ có thể lúc này ra quân thôi. Vì sau khi giặc rút, ba cõi tất cho là lính tráng, ngựa chiến của ta đã chết cả, thế không thể lên nổi, sẽ có sự khinh nhờn từ bên trong, cho nên phải cất quân lớn để thị uy". Bầy tôi đều nói: "NHÀ VUA há chẳng biết làm nhọc dân là việc đáng lo, nhưng còn có việc đáng lo lớn hơn thế nữa. Thánh nhân lo xa, BỌN THẦN không thể nghĩ đến được".

*

MÀY – BỌN CHÚNG

Vua từng ngự chơi bên ngoài, giữa đường, hể gặp gia đồng của vương hầu thì tất gọi chúng mà hỏi: "Chủ MÀY đâu?", rồi răn các vệ sĩ không được thét đuổi. Đến khi về cung, bảo tả hữu rằng: "Ngày thường thì có THỊ VỆ tả hữu, khi quốc gia lắm hoạn nạn thì chỉ có BỌN CHÚNG có mặt". Vì là vua cảm mến bọn chúng đi theo bảo vệ mình hồi phải chạy ra khỏi kinh thành mà nói thế.

*

ANH

Khi vua mới sinh, ở phủ Trường Yên có con trâu của nhà dân tự nhiên thay sừng khác, người ấy cho là điềm không lành, lấy làm lo. Có người giỏi chiêm nghiệm đi qua nhà ấy cười mà nói: "Đó là điềm đổi mới, can dự gì đến nhà ANH".

*

ÔNG – LÃO

Lúc đó, thuyền vua đỗ ở bến Bình Than, nước triều rút, gió thổi mạnh, có chiếc thuyền lớn chở than củi, người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn. Vua chỉ và bảo quan thị thần: "Người kia chẳng phải là NHÂN HUỆ VƯƠNG đó sao?".  Lập tức sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo. Đến cửa Đại Than thì kịp. Quân hiệu gọi: "ÔNG lái ơi, có lệnh VUA triệu". Khánh Dư trả lời:"LÃO là người buôn bán, có việc gì mà phải triệu". Quân hiệu trở về tâu thực như thế. Vua bảo: "Đúng là NHÂN HUỆ đấy, TA biết người thường tất không dám nói thế". Vua lại sai nội thị đi gọi. Khánh Dư mặc áo ngắn, đội nón lá [đến gặp vua]. Vua nói: "Nam nhi mà đến nỗi này thì thực là cùng cực rồi", bèn xuống chiếu tha tội cho ông. Khánh Dư lên thuyền lạy tạ. Vua ban cho áo ngự, cho ngồi các hàng dưới các vương, trên các công hầu, cùng bàn việc nước, nhiều điều hợp ý vua.

 

Nguồn: Sử Văn Các


Cừu Anh chức cống đồ

Cừu Anh chức cống đồ (仇英职贡图) do họa gia Cừu Anh vẽ khoảng đầu thế kỷ XVI. Họa phẩm mô tả các sứ đoàn sang triều cống hoàng đế Tống. Sứ đoàn Đại Việt (triều Lý) đem theo một con voi đen và hai con voi trắng, mang lệnh kỳ màu đỏ (bên phải).