[ST] NGUYỄN TRÃI VỚI KHỞI NGHĨA LAM SƠN

Đăng bởi: Sưu tầm - lúc: 09:00:08 - 21/12/2020 - tại: Lịch sử
Đọc: 2473
[ST] NGUYỄN TRÃI VỚI KHỞI NGHĨA LAM SƠN
Truyền thuyết khởi nghĩa Lam Sơn lưu hành nhiều nhất trong dân gian Thanh Hóa, so với các nơi khác trên miền Bắc nước ta, chưa được sưu tầm hết. Tầm vóc cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và vai trò lãnh đạo, lãnh tụ vĩ đại ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng, là cơ sở để ra đời cả kho truyền thuyết đặc sắc, nhiều giá trị về lịch sử, nhân văn, ngôn ngữ, địa lý...

Truyền thuyết Nguyễn Trãi dùng mỡ viết chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” lên lá cây cho kiến đục rồi thả trôi trên sông, suối để tuyên truyền, vận động quần chúng khắp nơi hưởng ứng cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh do Lê Lợi lãnh đạo, Nguyễn Trãi phò tá... rất phổ biến, được ghi chép trong sách vở.

Truyền thuyết dân gian nói chung bao giờ cũng ra đời sau sự việc, sự kiện xảy ra. Câu chuyện lấy mỡ viết chữ... lên lá cây... cũng vậy, có thể nó được dân gian cấu tạo rất lâu sau cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thành công. Do đó, nó không phải là lịch sử, chỉ dựa vào lịch sử, nói theo thuật ngữ nghiên cứu là “cốt lõi” lịch sử: “Lê Lợi lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn, được một trong những bề tôi có tên tuổi theo về phò tá là Nguyễn Trãi. Ngoài Nguyễn Trãi còn những nhân vật danh tiếng lúc bấy giờ, như: Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Mộng Tuân, Lê Văn Linh... Ở đây chúng ta chỉ nói đến vai trò Nguyễn Trãi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn để hiểu câu chuyện truyền thuyết “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” cho đúng. Dĩ nhiên, chúng ta không bàn đến nhân vật Nguyễn Trãi với sự nghiệp lớn lao của ông đã được suy tôn là “Danh nhân văn hóa thế giới”.

Tháng giêng năm Mậu Tuất (1418) Lê Lợi dựng cờ đại nghĩa ở núi Lam chỉ thấy danh sách các tướng văn, tướng võ được chép cụ thể trong Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn. Danh sách này không có ở Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn. Có lẽ sử gia Lê Quý Đôn không căn cứ vào văn bản gốc cho nên thiếu những tên quan trọng như Lê Lai, Lê Lý, Trương Chiến, Nguyễn Xí... nhưng lại thừa các tên Nguyễn Trãi và một vài người khác. Vì vậy, khoảng những năm thập kỷ 60 đã trở thành vấn đề tranh luận trên tập san Nghiên cứu lịch sử của Viện Sử học. Đa số ý kiến cho rằng sau ngày khởi nghĩa, Nguyễn Trãi mới gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, nhưng vào thời điểm nào, kiến giải còn khác nhau. Thậm chí, có học giả cho rằng mãi tới năm 1425, chỉ còn hai năm đến ngày toàn thắng, Nguyễn Trãi mới có mặt trong nghĩa quân Lam Sơn, với hàng loạt thư dụ hàng quân Minh do Bình Định vương Lê Lợi sai ông soạn thảo.

Chúng ta có những cứ liệu gì về lịch sử đáng tin cậy nhất để khẳng định thời điểm Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn?

Việt sử cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn) chép rõ: “Trước kia, Vương (Lê Lợi) đóng ở Lỗi Giang, Nguyễn Trãi tay cầm roi ngựa đến yết kiến, dâng sách lược dẹp giặc Ngô, được Vương khen, tiếp nhận” (NXB Giáo dục tập I, trang 803). Bình Ngô sách của Nguyễn Trãi dâng lên Lê Lợi không phải là một tập sách, có thể chỉ là lời tấu hoặc tờ tâu. Nội dung chủ yếu không đánh thành mà đánh vào lòng người (mưu phạt tâm công) được Lê Lợi khen là hiểu binh pháp và tiếp nhận vào hàng ngũ nghĩa quân, làm Hàn lâm thừa chỉ học sĩ, soạn thảo giấy tờ cho vua, theo lệnh vua. Chức vụ của Nguyễn Trãi hoàn toàn không phải quân sư hay mưu sĩ như một số người lầm tưởng.

Thơ Lê Thánh tông ca vịnh Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo” nghĩa là tấm lòng Ức Trai (Nguyễn Trãi) trong sáng như sao Khuê buổi sớm mai (sao Khuê tức sao Mai). Ý nhà vua khẳng định cái án giết vua Thái tông hoàn toàn sai. Dưới câu thơ này, Thánh tông chú thích: “Ức Trai tiên sinh đương lúc Thánh tổ (Lê Lợi) mới sáng nghiệp, theo về ở Lỗi Giang, trong thì bàn kế hoạch ở nơi màn trướng, ngoài thì thảo văn thư dụ các thành, văn chương tiên sinh làm vẻ vang cho nước, lại được vua tin yêu quý trọng”.

Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn không nói rõ Nguyễn Trãi gặp Lê Lợi ở đâu, lúc nào, nhưng trong Kiến văn tiểu lục (NXB Sử học HN 1962 – Dịch giả Phạm Trọng Điềm), ông viết: “Nguyễn Trãi là cháu ngoại quan Chương Túc hầu (tức Trần Nguyên Đán) nhà Trần và là con ông Nguyễn Phi Khanh đỗ tiến sĩ triều nhà Hồ, đã sẵn có danh vị. (Nguyễn Trãi) khi vào yết kiến Bình Định vương ở Lỗi Giang, liền được tri ngộ. (Vua) sai viết thư gửi tướng súy nhà Minh, thảo hịch truyền đi các lộ (xứ) đứng vào bậc nhất trong một đời...” (tr.311).

Nguyễn Trãi bị án tru di vì tội giết vua Thái tông. Con Thái tông là Thánh tông xét minh oan cho Nguyễn Trãi. Cháu xa đời của Nguyễn Trãi, xuất trình giấy tờ để vua truy tặng cho ông tước Tế Văn hầu, lời chế văn có câu: “Long hổ phong vân chi hội, do tưởng tiền duyên, văn chương sự nghiệp chi truyền, vĩnh thùy hậu thế” nghĩa là rồng hổ gió mây gặp hội, do duyên từ kiếp trước, văn chương sự nghiệp truyền tụng mãi đời sau.

Tất cả các sử liệu trích dẫn trên đều nói rằng: Nguyễn Trãi yết kiến Lê Lợi ở Lỗi Giang được vua thu nhận, giao cho việc giấy tờ viết thư thảo hịch theo mệnh vua và tài văn chương của ông nổi tiếng, được lưu truyền mãi đời sau.

Lỗi Giang ở đâu? Theo các nhà nghiên cứu Lỗi Giang là một chi nhánh sông Mã ở vùng Cẩm Thủy – Vĩnh Lộc, chính quyền nhà Minh lấy địa danh này đặt tên cho một huyện mới thành lập: Huyện Lỗi Giang. Trong thời gian kháng chiến chống Minh giai đoạn đầu, Lê Lợi chỉ hoạt động và đóng quân ở Lỗi Giang một lần, vào năm 1420. Việt sử thông giám cương mục chép: Tháng 10 năm Canh Tý (1420) Vương (Lê Lợi) tiến quân đóng ở thôn Thôi. Lý Bân nghe tin ấy, kéo quân từ Tây Đô vào chực đánh úp. Vương đặt quân mai phục ở Thi Lang, đánh bại được địch. Vương tiến đóng ở sách Ba Lẫm thuộc Lỗi Giang. Bọn tướng Minh chia quân đóng đồn ở Nga Lạc và Quan Da để phòng thủ cho Tây Đô. Vương ngày đêm đánh gấp. Quân tướng Minh phải bỏ đồn Nga Lạc, lui về giữ đồn Quan Da. Vương sai các tướng Lê Sát và Lê Hào đánh úp quân Minh ở trại Quan Da, cản phá được địch, chém hơn nghìn thủ cấp, tước được chiến cụ và nghi trượng của địch, không biết bao nhiêu mà kể? Người Minh do đó tinh thần sút kém quá đỗi!

Lê Lợi vẫn hoạt động ở vùng Lỗi Giang nơi miền ngược tiếp giáp miền xuôi, gần thành Tây Đô, đã bị quân Minh chiếm đóng làm sào huyệt gây tội ác đối với nhân dân ta.

Tháng 11 năm Tân Sửu (1421) Lê Lợi vẫn đóng doanh trại tại Ba Lẫm. Tham tướng Minh Trần Trí đem hơn mười vạn quân đến đánh. Trời đã về chiều, địch đóng lại cách Ba Lẫm 50 dặm (Ba Lẫm thuộc Lỗi Giang). Hội họp các tướng, Lê Lợi bàn: Quân địch dầu đông, nhưng chúng phải lặn lội từ xa đến. Chúng ta đem cái thế thong thả, nhàn hạ đối phó với địch vội vã nhọc nhằn, bây giờ thình lình đổ quân ra đánh phủ đầu, thế nào cũng phá được chúng (đây là kế “Dĩ dật đãi lao” – lấy an nhàn đối phó với mệt nhọc – của Binh pháp). Đêm đến, Lê Lợi sai các tướng đem quân đánh úp trại giặc, chém hơn nghìn thủ cấp. Hôm sau, Trần Trí mở đường tiến quân để trả thù. Lê Lợi đặt phục binh trước ở Úng Ải (Úng quan, Cổ Lũng, Bá Thước). Quân Trần Trí đến trưa mới kéo đến, vượt hiểm trở, “leo trèo, bám như đàn kiến mà lên đèo”. Nghĩa quân phục sẵn, thình lình nổi dậy xung kích, đánh bại được địch, Trần Trí buộc phải rút lui.

Đã có hẹn ước trước, tù trưởng Ai Lao là Man Sát đem ba vạn quân và 100 thớt voi thình lình ập đến, nói phao lên rằng sang cứu viện ta. Vương không ngờ nó nói dối, đang đêm bị nó đánh úp. Lê Lợi vẫn bình tĩnh, không động binh vội, chia cắt tướng sĩ lẻn ra phía sau địch, trong và ngoài đánh khép lại, cản phá được quân giặc, chém hơn một vạn thủ cấp, tước được mười bốn thớt voi. Nhân đà thắng lợi, nghĩa quân ruổi dài đuổi theo. Man Sát cùng quẫn xin hòa, Lê Lợi không cho.

Tướng Lê Thạch hăng hái dẫn đầu đoàn quân đánh gấp, không may giẫm phải chông độc, chết. Nghĩa quân lại rút về trại Ba Lẫm.

Tháng 12 năm Nhâm Dần (1422), tướng giặc Minh là Mã Kỳ lại ước hẹn với quân phản bội người Ai Lao dò biết nghĩa quân từ Ba Lẫm tiến đến Quan Da. Chúng hợp sức với nhau, hai mặt trước sau đánh khép lại. Quân ta không lợi phải lui đóng ở Sách Khôi. Địch tập hợp cả quân lại để bao vây. Lê Lợi khóc thương nghĩa quân khó bảo toàn tính mạng, bảo các tướng sĩ: “Giặc đang vây bức cả bốn mặt. Chúng ta cố đánh nhanh thì sống, nếu không đánh nhanh tất phải bại vong”. Mọi người đều cảm kích, đua nhau liều chết cố đánh. Các tướng Lê Lĩnh, Phạm Vấn, Lê Hào và Lý Triện chính mình xông pha lên trước, đánh phá trận địch: Chém tham tướng Minh Phùng Quý và hơn nghìn thủ cấp quân địch. Các tướng địch Mã Kỳ và Trần Trí đều phải chạy; quân Ai Lao cũng lẩn trốn về.

Quân ta tuy thắng lợi nhưng cũng hao hụt nhiều binh sĩ, Lê Lợi phải chuyển quân về núi Chí Linh để củng cố lực lượng... Qua năm sau (1423) Lê Lợi tạm thời giảng hòa với quân Minh và đến năm 1424 chuyển quân vào Nghệ An theo mưu kế của tướng Nguyễn Chích. Từ đó (1424) nghĩa quân Lam Sơn đánh đâu thắng đó và ba năm sau (1427) tiến đại quân ra Bắc giải phóng thành Đông Quan (Thăng Long), giặc Minh lậy hàng xin được khoan tha về nước.

Năm 1428, Lê Lợi họp tất cả các tướng văn võ và quần thần, để định công ban thưởng, tùy theo người có công lao nhiều ít để phong cấp bậc trên dưới; “phong thừa chỉ Nguyễn Trãi tước Quan Phục hầu... cho mang họ vua” (Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên...) Theo Việt sử thông giám cương mục: Công thần khởi nghĩa Lam Sơn có 9 bậc thì tước Quan Phục hầu của công thần Nguyễn ở bậc thứ 8.

Tìm hiểu Quốc sử, Nguyễn Trãi tham gia nghĩa quân Lam Sơn, được Lê Lợi thu nhận làm Thừa chỉ, vâng lệnh vua soạn thảo giấy tờ, sau được gọi là Thừa chỉ học sĩ rồi Hàn lâm thừa chỉ học sĩ, vì thời gian kháng chiến không lập viện hàn lâm, nhiều chức tước võ tướng chỉ là hư hàm hoặc nhất thời.

“Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” hoàn toàn đúng với tinh thần lịch sử: Bình Định vương Lê Lợi là quân vương, thừa chỉ Nguyễn Trãi là văn thần và suốt đời ông chỉ là một văn thần.

Nguồn: Hội yêu Lịch sử - Khí tài Quân sự