ĐẠI ĐƯỜNG MINH NGUYỆT (QUYỂN 1-4)

Sổ tay sinh tồn triều Đường - Bài 8: Ngày lễ của người thời Đường

trước
tiếp

Sổ tay sinh tồn triều Đường – Bài 8: Ngày lễ của người thời Đường

Tên truyện: Đại Đường Minh Nguyệt

Tác giả: Lam Vân Thư

Trên cơ bản thời Đường là thời đại vô cùng có tính giải trí. Biểu hiện rõ rệt nhất chính là ngày lễ nhiều, như thể cứ có cơ hội là nghỉ lễ, đã vậy còn phát minh ra không ít ngày lễ, có ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ sau như tết trung thu, tết thanh minh chẳng hạn.

Thời Đường rốt cuộc có bao nhiêu ngày lễ, lấy ngày nghỉ của công chức làm ví dụ đi, theo thống kê như sau:

Mùng một tháng giêng, đông chí nghỉ dài bảy ngày (trước tết ba ngày, sau tết ba ngày);

Tết hàn thực và tết thanh minh nghỉ chung, tổng bốn ngày;

Tết Trung thu, hạ chí và ngày mồng tám tháng chạp nghỉ ba ngày (trước tết một ngày, sau tết một ngày);

Mùng bảy, mười lăm và ba mươi tháng giêng, xuân xã (ngày đầu tháng hai) và thu xã (trước và sau thu phân), mùng tám tháng hai, mùng ba tháng ba, mùng tám tháng tư, mùng năm tháng năm, ngày tam phục, mùng bảy và mười lăm tháng bảy, mùng chín tháng chín, mùng một tháng mười, lập xuân, xuân phân, lập thu, thu phân, lập hạ, lập đông, mỗi ngày nghỉ một ngày.

Mỗi mười ngày nghỉ ngơi một ngày.

Ngày điền giả tháng năm, ngày thụ y giả tháng chín, mỗi đợt nghỉ mười lăm ngày.

(Ngày điền giả là ngày nghỉ việc để làm ruộng, ngày xưa học trò đi học, tới ngày mùa thì được nghỉ để về gặt hái, gọi là điền giả; ngày thụ y giả cũng là ngày nghỉ của học trò thời xưa)

Sinh nhật Hoàng đế, nghỉ một đến ba ngày.

Tổng cộng là 115-117 ngày, là những ngày nghỉ cố định. Có thể nhìn ra được công chức Đại Đường nghỉ không ít hơn so với thời hiện đại chúng ta, đã vậy còn ngày càng được nghỉ nhiều, bởi vì về sau còn có thêm cái gì tết trung hòa, tết đạo sinh nữa…

Còn nghỉ đột xuất thì ví dụ như con kết hôn, lễ thành niên của con trai, lễ xuất giá của con gái, bị bệnh vân vân, đều được nghỉ cả.

Thứ hai, không khí ngày lễ nhẹ nhàng thoải mái. Trên cơ bản mỗi ngày lễ đều có một bộ nghiên cứu, đã vậy còn nghiên cứu rất là vui vẻ, ví dụ như ngày mùng bảy tháng giêng âm lịch, nữ thì dắt bé gái, nam thì đăng cao; mười lăm tháng giêng càng không cần phải nói, ba đêm liên tiếp không tắt đèn, toàn dân cuồng hoan, chè chén hết mức, tất cả mọi người đeo mặt nạ, nữ giả nam, nam giả nữ, suốt đêm chong đèn múa hát; ngày ba mươi tháng giêng, mùng ba tháng ba, toàn dân dạo chơi ngoại thành; mùng năm tháng năm là tết Dục Lan (về sau gọi là tết Đoan Ngọ, rồi lại gọi là tết Thiên Thời, tết Trùng Ngũ vân vân), cần đấu bách thảo, hái ngải cứu, uống rượu bồ, tắm hoa cỏ, đương nhiên còn có thi đấu thuyền rồng nữa…

Phải biết có một số ngày lễ trước thời Đường người ta rất nghiêm túc, ví dụ như mùng ba tháng ba và mùng năm tháng năm, trước đây đều là ngày chiêu hồn tránh họa trừ tà không sạch không lành gì gì đó, đến thời Đường lại biến thành ngày chơi nam nữ già trẻ túm tụm chạy đến sông hồ vui chơi.

Còn có tết Hàn Thực, trước thời Hán thì không được nhóm lửa, sợ thần linh trách tội, kết quả hàng năm đều không ít người chết vì ăn đồ lạnh, lại thêm vào ngày tảo mộ, bầu không khí rất nghiêm trọng thậm chí bi thảm, đến thời Đường, được rồi, mọi người tảo mộ cứ tảo mộ, quét xong liền uống rượu đi chơi kéo co thả diều, vui chết đi được, khiến cho nhà nước cũng không nhìn nổi, Cao Tông mới cố ý đánh tiếng, nói tảo mộ là chuyện nghiêm túc, các người sao có thể cười cười nói nói nhảy nhót hát ca bên trong nghĩa địa chứ, có ra thể thống gì không? Sau đó vài năm, lại có chiếu thư viết những lời tương tự, có thể thấy lời vua căn bản không có tác dụng gì.

Thật ra cũng không trách mọi người không nghe Hoàng đế, thời Đường các Hoàng đế cũng đều thích chơi thích nghỉ lễ, như Đường Huyền Tông ham chơi nhất đã mấy lần hạ chỉ cổ vũ các cán bộ công chức chơi cho vui, chơi thỏa thích: “Bách quan mỗi lần nghỉ lễ cũng không cần nhập Tào ti, cứ thoải mái đi chơi đây đó đi”, “Hôm nay triều đình vô sự, thiên hạ đại hòa, cảnh đẹp ngày lành, các quan cứ vui vẻ thỏa thích”, lại như Đường Đức Tông thêm vào một ngày Tết trung hòa, lý do là tháng ba nhiều ngày tết, có cái trùng lặp, không vui chút nào, vậy thêm vào tháng hai cho nó hài hòa đi…

Cho nên xét về mặt lễ tết, các Hoàng đế thời Đường thật sự là lãnh đạo tốt nha.


Vui lòng click vào dấu mũi tên để lùi hoặc sang chương kế tiếp