ĐẠI ĐƯỜNG MINH NGUYỆT (QUYỂN 1-4)

Sổ tay sinh tồn triều Đường - Bài 7: Làm công chức

trước
tiếp

Sổ tay sinh tồn triều Đường – Bài 7: Làm công chức

Tên truyện: Đại Đường Minh Nguyệt

Tác giả: Lam Vân Thư

Ở thời Đường, nghề nghiệp có tiền đồ nhất, với đàn ông thì chính là làm công chức, với phụ nữ thì là lấy chồng công chức… Thời Đường đương nhiên cũng có nữ quan, có điều đều ở lại trong cung cả rồi.

Về phần làm ăn ấy mà, sĩ nông công thương, thương xếp cuối cùng, chính là nghề hèn kém nhất. Có tiền mà không có địa vị, đi ra ngoài không thể mặc quần áo đẹp, không thể cưỡi ngựa, gặp phải quan thì phải luồn cúi, có thoải mái không?

Được rồi, thế làm sao mới làm được công chức đây? Bước đầu tiên, xét xuất thân…

Điều kiện một: Biết đầu thai. Cái này gọi là xuất thân cửa ấm, ví dụ như cha bạn làm hoàng thân quốc thích công tước vương gia, là cán bộ cao cấp từ ngũ phẩm trở lên (Chức quan chính thức thời Đường cao nhất là chính tam phẩm, cho nên ngũ phẩm cũng là không thấp rồi), như vậy bạn có thể làm vệ quan trong số tam vệ bên cạnh hoàng đế, làm tròn một năm, vượt qua thi cử bạn sẽ được xem là “xuất thân cửa ấm”.

Điều kiện thứ hai: Biết đầu thai, có thể lựa chọn làm trai lang hoặc vãn lang. Trai lang chính là người chuyên xử lý những chuyện tế lễ trong thái miếu, điều kiện là cháu nội quan viên ngũ phẩm trở lên, hoặc con trai quan viên lục phẩm trở lên, cần có dung mạo đoan chính, hiểu biết chữ nghĩa, căn cứ theo luật Đường: “Trai lang thái miếu phải trải qua sáu kỳ thi, trai lang ngoài kinh thành thì phải qua tám kỳ thi”, nếu thông qua được thì có thể đến bộ Lại dự khuyết, có xuất thân rồi. Nếu không thi đỗ thì làm sao đây? Thi tiếp, thi sáu lần đều không đỗ thì sao, được rồi, bạn có thể đến bộ Lại nhận một chức quan nhàn tản (Vì sao gọi là chức quan nhàn tản? Chính là quan viên có cấp bậc mà không có chức vụ đó).

Còn vãn lang chính là các thiếu niên níu linh cữu hát nhạc đám ma cho phi tần của Hoàng đế, giống như trai lang, cần có dáng dấp đẹp, xuất thân tốt, sau đó vượt qua kỳ thi, thành tích tốt cũng có thể thu hoạch được một cái xuất thân.

Điều kiện thứ ba: Tương đối biết đầu thai. Nếu cha bạn là quan viên có thực chức từ lục phẩm trở xuống, hay là các quan viên vinh dự từ tam phẩm trở xuống ngũ phẩm trở lên, thì bạn được coi là “phẩm tử”, sau khi đến tuổi mười tám có thể đi “học” ở bộ Binh, học xong mười ba năm thì tham gia thi cử, người có thành tích tốt nhất có thể đi ứng tuyển ở bộ Lại, thành tích đứng thứ hai thì ở lại bộ Binh, thành tích thứ ba cùng thứ tư thì nộp tiền vài năm cũng có thể tham gia thi lần hai, đoạt lấy tư cách ứng tuyển cho vị trí quan văn quan võ nhàn tản.

Điều kiện thứ tư, biết thi cử. Đương nhiên là khoa cử, chế độ khoa cử thời Đường giữa các giai đoạn thay đổi tương đối lớn, so ra thì giai đoạn trước quy mô khá nhỏ, không được coi trọng lắm, về sau thì càng ngày càng quan trọng, được coi là con đường ngay thẳng để làm quan, con ông cháu cha có chí khí sẽ chọn con đường này, ví dụ như Bùi Hành Kiệm, Bùi Viêm đều là làm quan đường đường chính chính bằng thi cử.

Khoa cử thời Đường chia làm thi thường quy và thi tạm thời, sử gọi là thường khoa và chế khoa. Thường khoa có một số hạng mục, chủ yếu là bốn kỳ thi hot nhất gồm: Tú tài, minh kinh, tiến sĩ, minh pháp. Ngoài ra còn có một số kỳ thi chuyên sâu như nhất sử, tam sử, khai nguyên lễ, đạo cử, đồng tử vân vân. Trong đó hai kỳ thi lớn chính thức là minh kinh và tiến sĩ, đều phải thi sách luận rồi thiếp kinh, nhưng điểm khác biệt chủ yếu là tiến si thi thơ phú, minh kinh thi kinh nghĩa.

Hàng năm nhà Đường lấy một vài đến hai mươi tiến sĩ, minh kinh thì nhiều hơn chút, có điều tất cả những kỳ thi này gộp lại đều không lấy quá một trăm người, những người này coi như đạt được xuất thân khoa cử.

Đương nhiên không phải ai cũng có thể tham gia khoa cử, có tư cách thi là cử nhân của các châu huyện cùng với học sinh của ba trường học quý tộc lớn nhất Đại Đường là Quốc Tử Giám, Hoằng Văn Quán, Sùng Văn Quán (Hai trường sau thật sự “quý tộc” đó, chỉ có ba mươi học sinh thôi, tất cả đều là con ông cháu cha, thế mà Bùi Hành Kiệm cùng Bùi Viêm đều học trong Hoằng Văn Quán mới kinh chứ).

Điều kiện thứ năm, biết lao động, cũng chính là xuất thân lưu ngoại quan.

(Thời Đường quan phẩm chia ra “lưu nội” là dòng ở trong, “lưu ngoại” là dòng ở ngoài, chưa phẩm cấp gì gọi là “vị nhập lưu”)

Ở thời kỳ sơ Đường, chỉ tiêu quan viên của Đại Đường rất chặt chẽ, nhưng mà người thuộc chỉ tiêu lại không đủ dùng thì phải làm sao giờ, thì đành mở rộng ra bên ngoài thôi, con cháu quan viên cũng có thể được chọn làm lưu ngoại quan, nhưng quan trọng nhất chính là, thứ dân cũng có thể được chọn, chữ đẹp, biết tính toán sổ sách, biết lao động, ba thứ trên nhất định phải có năng khiếu một thứ thì coi như phù hợp với điều kiện, coi như cho tầng lớp dân thường một con đường bước lên con đường làm quan.

Lưu ngoại quan cũng phải tham gia thi cử, do bộ Lại chủ trì, gọi là thi tuyển đơn giản, quá trình gồm báo danh, sàng lọc, thi cử, thành tích tốt thì có thể làm lưu ngoại quan, nghe nói chuyện gian lận xảy ra tương đối nghiêm trọng.

Lưu ngoại quan chủ yếu làm ba việc chính, một là làm quan lại, ví dụ như đình trưởng, tán giả, chưởng cố, hai là làm kỹ thuật, gì mà viết chữ Khải, khắc bia tiến sĩ, ba là làm chuyên môn, như thiên văn sinh làm ở đài thiên văn, châm cứu sinh ở Thái Y Thự… Họ làm tốt thì sẽ có thể được chọn làm quan chính thức, đương nhiên vẫn phải thông quan tuyển chọn và khảo thí.

Được rồi, bây giờ mọi người đều có xuất thân, như vậy là có thể làm quan sao? Sai, thế mới chỉ có tư cách làm quan mà thôi.

Muốn làm quan thật sự, bạn phải thông quan tuyển chọn và thi cử, quan viên chính thức thì có lưu nội tuyển, quan viên không chính thức thì có lưu ngoại tuyển. Trong số các quan viên chính thức, ngũ phẩm trở lên do Hoàng đế bổ nhiệm, hoặc là Tể tướng đề cử Hoàng đế bổ nhiệm, Lục phẩm trở xuống thì do bộ Lại, bộ Binh bổ nhiệm.

Tham gia tuyển chọn của bộ Lại và bộ Binh nhất định phải đã từng làm quan và có xuất thân, nhưng mà vấn đề ở đây là, đủ điều kiện rồi mà chỉ tiêu quá ít thì phải làm sao đây? Úi dào! Thằng con Bùi Quang Đình của Bùi Hành Kiệm về sau đưa ra một phương pháp rất là khoa học, gọi là “theo tư cách”, hự, quá phức tạp đi, ai quan tâm có thể tìm trên Baidu, đại khái chính là phải soi lai lịch, xem quan phẩm, thêm thêm bớt bớt một chút, chờ ít thì một năm, lâu thì mười hai năm…

Trước hết là hằng năm mùa đông đến mùa xuân công bố tiêu chí tuyển chọn rộng rãi, sau đó trước tháng mười năm thứ hai, người có tư cách trúng tuyển tự mình viết một bản hồ sơ thật dày, sau đó nhờ năm ông quan ở kinh thành đảm bảo cho, đề cử lên, thì hồ sơ của bạn mới có thể được đưa đến bộ Lại cùng bộ Binh để chất đống. Có người chuyên làm nhiệm vụ xác minh hồ sơ, sau khi xác định không có vấn đề gì, thì tiến hành khảo sát người ứng tuyển về bốn hạng mục “ngoại hình, ăn nói, kiến thức, quan điểm”, xem mặt mũi bạn có làm triều đình mất mặt hay không, có biết nói chuyện hay không, đầu óc có minh mẫn hay không… Đương nhiên vẫn phải thi nữa, là kiểu thi cử đúng nghĩa, vào cửa soát người, lúc thi có binh lính trấn giữ nghiêm ngặt. Sau khi thi qua rồi, lại xem điều kiện “đức, tài, lao” thế nào mới bổ nhiệm chức quan.

Như thế là cuối cùng bạn cũng làm được công chức thời Đường rồi… cơ mà bạn thật sự cho rằng đây chính là một lần vất vả suốt đời nhàn nhã sao? Sai! Quan viên Đại Đường đều có nhiệm kỳ, hết nhiệm kỳ rồi thì làm sao đây? Thì lại tiếp tục đợi thi tuyển thôi.

Nếu không thì bạn cho rằng việc “đã từng làm quan” ở bên trên nghĩa là gì chứ?

Cái này sẽ phải đợi mất bao lâu? Không biết, chỉ biết Hàn Dũ đợi liền mười năm.

Đương nhiên nếu bạn có tài thơ tuyệt đại, cũng có thể thông quan dâng thơ nè hiến phú nè, được khen thưởng, qua được thi cử, xem như là có xuất thân. Đỗ Phủ chính là ví dụ đó, lăn lộn mười năm, mới lăn lộn được đến một cái chức Tào tham quân hàm cửu phẩm (cùng cấp bậc với chức Bùi Hành Kiệm làm mười năm kia).

Nếu như bạn ngứa mắt những thứ rườm rà này mà vẫn muốn làm công chức, vậy làm sao bây giờ? Ừm, có cách, làm ẩn sĩ đi, làm đến tên tuổi lớn, Hoàng đế trực tiếp triệu kiến, thưởng chức quan, gọi là “Mượn núi Chung Nam làm lối tắt” đó, Lý Bạch chính là ví dụ, kết quả được Hoàng đế ngó tới rồi.

So với quan viên chính thức thì lưu ngoại quan được tuyển chọn dễ chịu hơn chút, cũng có một bộ quy trình. Chỉ là lưu ngoại quan địa vị tương đối thấp, đãi ngộ cũng thấp luôn. Mặc dù cùng được hưởng ưu đãi miễn thuế, nhưng đừng nghĩ đến chuyện ban phát cho gia tộc, cũng không thể cho mẫu thân thê tử đãi ngộ gì đặc biệt. Cho nên quan viên xuất thân lưu ngoại quan của Đại Đường không ít, nhưng làm quan thế này lại bị cho là mất mặt.

Viết mệt chết tui luôn… Không biết người ngoài đọc có mệt không nữa? Làm công chức ở Đại Đường chính là phức tạp chết đi được. Bạn nói bạn cứu được giá, Hoàng đế sẽ liền cho bạn làm quan hoặc thăng liền ba cấp sao? Hự… cơ bản không có khả năng này. Ví như Tiết Nhân Quý đêm mưa lớn ở cung Vạn Niên cũng có thể coi như là cứu được giá đi, được đồng chí Cao Tông ban thưởng một thứ: Một con ngựa. Nói một cách trịnh trọng, thì là một con ngựa vua… nhưng chung quy, vẫn là một con ngựa.


Vui lòng click vào dấu mũi tên để lùi hoặc sang chương kế tiếp