LINH HỒN NỔI LOẠN

Chương 50

trước
tiếp

LINH HN NI LON

Tác gi: Phi Thiên D Tường

Người dch: Tàng Thư Quán

Chúng ta đi đâu đây? Sau này làm cái gì?

Triển Hành và Lâm Cảnh Phong cũng mờ mịt giống như bất cứ cặp tình nhân trốn nhà ra đi nào khác, mỗi người có một tâm sự riêng, nhưng chẳng ai chịu mở miệng nói trước, cuối cùng vẫn là Lâm Cảnh Phong đề nghị: “Về nội địa trước, anh không hiểu tiếng Quảng Đông”.

Lúc Lâm Cảnh Phong và Triển Hành nắm tay nhau đợi qua cửa hải quan thì điện thoại đổ chuông.

Triển Hành: “Ấy, ai thế nhỉ?”, rồi cậu chợt ý thức được giọng mình cứ oang oang, vội nhỏ giọng lại: “Anh Hổ?”.

Hoắc Hổ ở đầu điện thoại bên kia đầy ngóng đợi: “Anh nhớ cậu quá…”.

Triển Hành vừa đi vừa dỗ: “Đáng thương ghê, Trương Huy không cho anh ăn no à?”.

Hoắc Hổ: “Thịt bò khô cái chỗ này ăn không ngon…”.

Triển Hành: “Em có mua bánh sữa bò, còn có thịt bò khô chất lượng tuyệt hảo nữa, có thể ăn ngay đó”.

Hoắc Hổ: “Khi nào cậu về? Chờ chút, anh bạn Trương Huy muốn nói chuyện với cậu”.

Triển Hành ngẫm nghĩ, rồi đưa điện thoại cho Lâm Cảnh Phong, Lâm Cảnh Phong thong thả nói vài câu rồi tắt máy.

“Trương Huy bao ăn ở”. Lâm Cảnh Phong nói: “Anh ấy mời chúng ta tới Kiềm Đông Nam chơi, đi không?”.

Triển Hành hứng thú thốt lên: “Đi”.

Lâm Cảnh Phong trầm ngâm không nói, Triển Hành lại lên tiếng: “Đi cho khuây khỏa, sau này sẽ về Bắc Kinh?”.

Lâm Cảnh Phong vẫn lặng thinh, Triển Hành bảo: “Em đi gọi điện đặt vé máy bay nhé, mình xuống ở đâu đây?”.

Lúc hai người qua cửa hải quan thì đã xế chiều, Lâm Cảnh Phong nói: “Đi dạo loanh quanh trước đã, rồi đặt vé bay tới Quý Dương trong đêm nay”.

Triển Hành: “Nhà Trương Huy có gì vui không nhỉ?”.

Lâm Cảnh Phong: “Không biết… hình như anh ta có chuyện gì đó rất quan trọng muốn nhờ chúng ta giúp, đương nhiên sẽ trả tiền rồi, thù lao đợi lúc gặp mặt sẽ thỏa thuận, bởi vì không có em ở đó nên anh Hổ vẫn chưa đồng ý, Tiểu Đường cũng không bằng lòng, cậu ta đã về nhà đâu”.

Triển Hành gật đầu, thời gian còn sớm, hai người đi dạo trong thành phố một lát, trên lầu hai của một cửa hàng 7-Eleven[1] bày đầy những lọ hoa nghệ thuật, có đồ cổ, cũng có đồ mô phỏng sau Dân Quốc, giá của mỗi món đều đi kèm một dãy dài những số không ở đằng sau.

Triển Hành đi qua giá bày hàng, nói: “Sau này chúng ta cũng có thể bán vài món đồ mô phỏng thời Dân Quốc, hay lắm đúng không? Không cần chạy đến sống dở chết dở nữa”.

Lâm Cảnh Phong hơi trầm ngâm, khoác vai Triển Hành: “Thẳng thắn nhé, Tiểu Tiện, nếu em hối hận rồi, vẫn có thể trở về”.

Triển Hành: “…”.

Lâm Cảnh Phong: “Anh muốn làm một cú lớn”.

Triển Hành không nghe rõ nên sung sướng ra mặt: “Giờ đi thuê phòng hả?”.

Lâm Cảnh Phong bực gắt: “Làm một cú[2]! Chứ không phải làm một pháo!”. Đầu Triển Hành sục sôi oán hận, quay lưng bỏ đi.

Triển Hành vội đuổi theo sau Lâm Cảnh Phong, hỏi: “Cái gì? Anh nói cái gì?”.

Lâm Cảnh Phong nói: “Anh muốn kiếm một khoản cuối cùng, xong sẽ chấm dứt, ít nhất cũng phải làm một cuộc mua bán cỡ chục triệu, một khi tiền đến tay, chúng ta sẽ không cần phải chạy đôn chạy đáo nữa”.

Triển Hành: “Không hay đâu, nguy hiểm lắm, để em nghĩ xem nào, anh bán cái hộp chưa?”.

Lâm Cảnh Phong: “Anh gửi nó ở chỗ chị Bân trước, chị ấy sẽ nghĩ cách giúp anh, anh nghi ngờ ông già có tai mắt ở Thanh Vân Trai trong Phan Gia Viên”.

Triển Hành: “Chúng ta cứ gom tiền lại một chỗ đã, được không?”.

Lâm Cảnh Phong: “Được, cho em giữ cả đấy, nhưng còn lâu mới đủ”.

Triển Hành: “Không đủ thì làm chút buôn bán nhỏ, từ từ kiếm thôi”.

Lâm Cảnh Phong không vui bảo: “Anh đang báo cho em biết, chứ không phải xin ý kiến của em. Anh đã nghĩ kỹ rồi, đây sẽ là lần cuối cùng”.

Triển Hành: “Thường trong phim truyền hình với điện ảnh, “lần cuối cùng” của nhân vật chính trước khi rửa tay gác kiếm đều có kết cục thê thảm”.

Lâm Cảnh Phong: “…”.

Triển Hành: “Em chỉ nói đùa thôi mà”.

Lâm Cảnh Phong: “Không cần biết em có đồng ý hay không, anh cũng sẽ làm. Nếu em không thể chấp nhận được, thì ngay bây giờ có thể về nhà, vẫn còn kịp đấy”.

Triển Hành bảo: “Không làm thì chính là không làm, nếu đã quyết định rồi, sao cứ phải cần thêm chuyến cuối làm gì nữa chứ?”.

Lâm Cảnh Phong quay lưng bỏ đi, Triển Hành kéo tay Lâm Cảnh Phong, chân thành nói: “Hôn cái đi”.

Phố xá ngày xuân ấm áp, trăm hoa đua nở, Lâm Cảnh Phong vươn một tay ôm Triển Hành, hai người chạm môi.

Lối sống ở thành phố đông dân di cư này thậm chí còn thoáng hơn cả Hồng Kông, hai chàng trai hôn nhau ở đầu đường cũng không làm quá nhiều người chú ý, lát sau Triển Hành đeo kính râm lên, nói: “Đi tìm anh Hổ trước nhé, biết đâu anh lại từ từ thay đổi ý định thì sao?”.

Lâm Cảnh Phong không khăng khăng theo ý mình nữa, đáp: “Cũng được”.

Hai người đi Quý Dương, dựa theo địa chỉ Trương Huy cung cấp, đổi chuyến xe đêm chạy thẳng tới xã Khải Lý thuộc châu tự trị của dân tộc Miêu và dân tộc Động ở Kiềm Đông Nam.

Theo đúng chỉ dẫn đường xá Trương Huy cho, họ chuyển xe từ Quý Dương tới Khải Lý, rồi từ Khải Lý tới Cẩm Bình, cuối cùng tới được khu trại của dân tộc Động thì đã là ba giờ đêm, khắp nơi tối đen như mực, chỉ còn mỗi Lâm Cảnh Phong và Triển Hành ngồi dưới hàng ghế sau cùng trên chuyến xe cuối ngày.

“Đến rồi hả?”. Triển Hành dựa vào người Lâm Cảnh Phong ngủ gật, Lâm Cảnh Phong mặt lạnh tanh kéo ngón tay, chiếc ô tô dừng lại, Triển Hành giật mình nhìn ra ngoài, thấy một màu đen kịt phủ khắp bạt ngàn sơn dã.

Tài xế thả họ xuống ven đường, Triển Hành uể oải ngáp dài một cái, sang bên đường đi tiểu.

“Đừng đi xa quá”. Lâm Cảnh Phong nói: “Sư phụ không có súng, đều gửi hết ở chỗ chị Bân rồi”.

Triển Hành mờ mịt gật đầu, hỏi: “Chúng ta tới đây để du lịch mà”.

Lâm Cảnh Phong rút thanh đao Tạng được bọc cẩn thận ở trong ba lô leo núi ra, tháo lớp vải rồi buộc nó vào sau lưng.

“Giờ đi đâu?”. Triển Hành hỏi.

“Đi”. Lâm Cảnh Phong bảo: “Trương Huy dặn chúng ta chờ ở một nơi, sẽ có người tới đón”.

Triển Hành: “Nhà anh ta giàu lắm à?”.

Lâm Cảnh Phong: “Chắc là phú hào bản địa, anh ta chưa từng nói cho em nghe về bối cảnh gia đình anh ta à?”.

Triển Hành ngẫm nghĩ, nhớ lại lời Trương Huy từng nói, có lẽ anh ta thuộc tầng lớp có thế lực của một dân tộc thiểu số. Xung quanh chẳng có nổi một ngọn đèn, chỉ có bầu trời đầy sao đang dần tắt ngấm ở phía Tây, Lâm Cảnh Phong luôn đề cao cảnh giác, dẫn Triển Hành đi tới cửa trại.

Một người đàn ông gầy gò ngồi ở ven đường hút thuốc, nghe thấy tiếng động vội vàng đứng dậy.

“Tới rồi à?”.

Không ngờ người đàn ông nọ chính là Trương Huy, anh ta mặc trang phục của tộc Miêu, Triển Hành thốt lên một tiếng, cười nói: “Cảm giác khác hẳn lần trước nha!”.

Trương Huy cười tinh nghịch: “Ước chừng vừa đúng thời gian này rồi”. Dứt lời anh ta giơ tay lên nắm giữa không trung, từ trên người Triển Hành bay ra một đốm sáng, hướng về phía lòng bàn tay gầy guộc của anh ta, bị anh ta nhón lấy.

Lâm Cảnh Phong lập tức không vui: “Anh thả cổ trên người Tiểu Tiện hả?”.

Trương Huy vội giải thích: “Tôi không có ý gì khác, chỉ là một con ong dẫn đường thôi, sợ các cậu đi lạc ấy mà”.

Lâm Cảnh Phong gật đầu, quan sát kĩ Trương Huy, lần cuối họ từ biệt là ở La Thành, cũng có nghĩa là, khi đó Trương Huy đã lên kế hoạch sẵn rồi, muốn mời họ tới đây, chắc cũng chẳng đơn giản chỉ là mời khách tới nghỉ ngơi thăm thú, mà khẳng định còn có mục đích khác?

Trương Huy nói: “Tới rồi thì tốt, lên ngựa thôi, vừa đi vừa nói chuyện, hai người anh em, cảm ơn các cậu”.

Lâm Cảnh Phong giật hàng lông mày, trong lòng không mấy hài lòng với hành vi của Trương Huy, nhưng cuối cùng vẫn chẳng nói gì, Trương Huy đích thân tới đón, ít nhất cũng đã cho mình đủ mặt mũi rồi, thấy lúc này anh ta đã dắt ba con ngựa Điền[3] lùn tịt tới, bảo: “Đường núi khó đi, mong anh em thứ lỗi cho”.

Triển Hành mơ mơ màng màng leo lên lưng ngựa, Lâm Cảnh Phong thấy con ngựa Điền kia còn đặc biệt lót thêm cái yên thủ công, trong lòng biết ơn vô cùng, sau đó cũng nhảy lên lưng ngựa, theo sau Trương Huy, ba người đi vào núi.

“Hay là nghỉ tạm ở đây một lát đã”. Lâm Cảnh Phong bảo: “Anh xem Tiểu Tiện buồn ngủ lắm rồi”.

Triển Hành vội nói: “Không sao, em có thể vừa cưỡi ngựa vừa ngủ”.

Trương Huy cười: “Lát nữa khi mặt trời lên cậu sẽ hết buồn ngủ ngay, chỗ này đẹp lắm đấy”.

Triển Hành lại hỏi: “Thằng nhóc Đường Du đâu?”.

Trương Huy hơi trầm ngâm đáp: “Ngã bệnh rồi”.

Lâm Cảnh Phong khẽ giật mình: “Không quen khí hậu à?”.

Trương Huy đáp: “Là do tôi chăm sóc không chu đáo, cậu ấy… thôi không nhắc tới nữa, lát nữa Triển Hành tới là sẽ khỏi bệnh thôi, may mà hôm nay các cậu tới được”.

Triển Hành chẳng hiểu mô tê gì, Trương Huy chuyển đề tài: “Mặt trời sắp mọc rồi”.

Ba người đi trên sườn núi ngoằn ngoèo quanh co, nơi đó có một con đường trông chẳng giống đường, hai bên đầy những loại cây thân cao lá rộng cận nhiệt đới, cổ thụ chọc trời ở nơi này đã sinh trưởng cả mấy ngàn năm, rừng rậm nguyên thủy lặng lẽ ngủ say trong bóng tối, lá cây ướt nhẹp nhuốm đầy sương sớm trước bình minh.

Triển Hành đổ người nằm úp sấp trên lưng ngựa, ngủ say đến ngáy khò khò.

Họ lặng lẽ đi được một lúc lâu, đến khi ánh sao biến mất, vầng mặt trời ban mai nhô lên sau núi.

Chỉ trong khoảnh khắc, ngàn vạn mũi tên vàng óng xuyên qua rừng rậm nguyên thủy, chim muông ngẩng đầu ngóng đợi bình minh, Trương Huy lấy một cây sáo trúc ra, ngửa cổ thổi, tiếng sáo du dương tràn ngập khắp đất trời.

Vô số chim chóc từ trong rừng bay lên, vỗ cánh dưới tia nắng bình minh hướng về phía chân trời.

Triển Hành bị đánh thức, lấy tay vuốt mặt, ngạc nhiên hỏi: “Đây là nơi nào? Chúng ta đến đâu rồi?”.

“Trong núi”. Trương Huy làm một người chủ nhà lịch thiệp đón khách, lễ nghĩa gật đầu: “Thế nào? Không uổng công tới đây một chuyến chứ?”.

Triển Hành ngoảnh lại, giữa núi non sương trắng mịt mù, tựa như có một vị nữ thần sống động đang dịu dàng tách khỏi ánh dương, phía chân núi xa xa, ngôi làng nhỏ nơi họ vừa đi qua đã trở thành chấm đen thưa thớt.

Tất cả cảnh sắc trong núi đang chìm trong giấc ngủ say đã chầm chậm tỉnh dậy, con suối mùa xuân trắng trẻo như tuyết róc rách chảy xuôi, tiếng chim hót bên tai không dứt, sương sớm óng ánh ngưng đọng trên những đầu lá khúc xạ lại tia sáng mặt trời, từng giọt tí tách rơi.

Từng âm thanh nhỏ bé đều truyền vào tai Triển Hành hết sức rõ ràng.

Triển Hành không kìm lòng được phải thốt lên: “Không hề uổng công, đẹp quá đi thôi, trên thế gian còn có một nơi như thế này sao?”.

“Đây, ăn đi”. Trương Huy lau đi lớp phấn màu xanh đậm phủ ngoài hai trái cây dại, đưa cho Lâm Cảnh Phong và Triển Hành.

Dù Lâm Cảnh Phong hiểu sâu biết rộng, cũng không khỏi ấn tượng trước khung cảnh này, cất tiếng hỏi: “Đây là núi gì?”.

Trương Huy đáp luôn: “Tôi cũng không biết núi này tên là gì, người Hán có đặt tên cho nó nhưng tôi quên mất rồi, núi chính là núi, truyền thuyết xưa cũ kể rằng, núi non có linh hồn, ngọn núi này tiếp giáp với Thập Vạn Đại Sơn, làm thành một dãy”.

Lâm Cảnh Phong như có điều suy nghĩ: “Chắc đây là nơi tách biệt với thế giới bên ngoài, không khác chỗ nhà tôi bao nhiêu. Anh thuộc dân tộc nào? Sao trên cổ lại đeo vòng bạc của tộc Miêu, mà lại không đội mũ giống người Miêu? Quần áo anh mặc là của tộc Di[4] à?”.

Trương Huy gật đầu: “Tôi… không thể coi là người tộc Miêu, tôi cũng không biết mình là người tộc gì nữa, đợi khi nào đến cậu sẽ rõ”.

Triển Hành lại hỏi: “Anh trai anh cũng ở chỗ này à?”.

Lâm Cảnh Phong: “?”.

Trong mắt Trương Huy thoáng hiện ra vẻ mất tự nhiên, cuối cùng thành thật nói: “Tôi còn chưa về nhà gặp anh ấy”.

Lâm Cảnh Phong cau mày, Triển Hành giải thích: “Anh trai anh ấy là Trương Soái, cái người chúng ta quen ở Giao Châu lần trước ấy, em còn lưu số di động của anh ta đây”.

“Anh của anh là Trương Soái á?”. Lâm Cảnh Phong nghệt mặt.

Trương Huy vội nói: “Không không, đừng gọi điện cho anh ấy”. Trương Huy giữ tay Triển Hành lại: “Đợi lát nữa vào thôn, chúng ta hãy bàn bạc với anh Hoắc, nói chuyện tường tận cái đã. Tôi lấy tính mạng ra đảm bảo, tuyệt đối sẽ không làm chuyện gì có lỗi với các cậu”.

Lâm Cảnh Phong tràn đầy nghi vấn, nhưng phải cố nén lại.

“Các anh học dùng cổ từ đâu vậy?”. Trước giờ Lâm Cảnh Phong chỉ nghe nói có thứ gọi là cổ chứ chưa từng tận mắt nhìn thấy, mỗi lần Trương Huy thả cổ anh đều không nhìn rõ động tác, thậm chí chỉ vụt một cái là xong rồi.

Trương Huy chẳng mấy hứng thú: “Với dân Kiềm Miêu, cổ vốn là đồ chơi của phụ nữ, cực chẳng đã mới phải dùng thôi, để các cậu chê cười rồi”.

Triển Hành nhớ lại cái đêm ở giao lộ Liễu Châu, lúc mình bị văng khỏi xe, Trương Huy đã dùng kỹ xảo gì đó để cứu cậu khỏi đập đầu vào đá, bèn hỏi: “Đêm hôm đó, anh tụng thần chú gì vậy?”.

Trương Huy khoa tay bảo: “Đó là một loại cổ mẫu bảo vệ con người, sâu vua sẽ dẫn theo đám sâu con bay tới đỡ người ta khỏi rơi xuống vách đá. Cổ được chia thành rất nhiều loại, có cổ họ sâu bọ, cổ trong cây cỏ, cổ trong đất đá…”.

Trương Huy vừa đi đường vừa nói chuyện, giới thiệu cho Triển Hành và Lâm Cảnh Phong nghe về cách nuôi cổ của đất Vân Nam – Quế Châu, đa số từ ngữ đều không có trong từ điển tiếng Trung, Trương Huy đành phải thay thế bằng từ đồng âm.

Lâm Cảnh Phong nghe suốt dọc đường: “Nói vậy, việc thả toàn bộ côn trùng vào trong một cái hũ để nuôi cổ là gạt người à?”.

Trương Huy nói: “Việc ấy thì có thật, nhưng đã thất truyền từ lâu rồi. Xưa kia có một bà lão nuôi cổ tên là Hoa Đầu, bà ta đã thả cả trăm loại sâu độc vào trong một cái vại lớn suốt bảy ngày bảy đêm, để chúng nó cắn xé ăn thịt lẫn nhau, con nào còn sống sau cùng chính là vua cổ”.

“Còn có kiểu dùng năm cặp sâu vua bọ chúa chứa năm loại độc bao gồm rắn, bọ cạp, cóc, rết, nhện, bỏ cả mười con vào hũ, rồi thả thêm một loại thảo dược đặc chế, khiến chúng nó giao phối với nhau, cuối cùng sinh ra cùng một loại quái vật, gọi là ngũ độc thú”.

Triển Hành nghe vậy há hốc miệng, Trương Huy lại nói: “Cũng thất truyền rồi”.

Lâm Cảnh Phong: “Nghe nói thuật Hàng Đầu[5] ở Đông Nam Á có một bộ phận truyền thừa cách thức dùng cổ, có thật vậy không?”.

Trương Huy gật đầu nói: “Hàng Đầu chính là một nhánh của vu thuật Miêu Cương, đàn ông dùng phép, phụ nữ thả cổ”.

Ba người đi vòng vo trên đường, khi nhanh khi chậm, khi đi khi nghỉ, tới giờ cơm trưa Trương Huy chỉ thuận tay bắn cái gì đó vào dòng suối, ngay tức khắc có mấy con cá lật trắng bụng nổi lên, đặc sản miền núi phối cùng cái lạnh thấu xương của dòng suối trong vắt, hương vị trên cả tuyệt vời.

Trương Huy nướng cá xong còn nói thêm: “Không có độc, yên tâm, tôi không hại các cậu đâu”.

Lâm Cảnh Phong hơi trầm ngâm: “Biết rồi, anh không có để móng tay”.

Trương Huy cảm kích gật đầu, người quen dùng độc và thả cổ thường có móng tay dài, khiến người khác không nhìn thấy động tác mình dùng độc hay trữ độc, các móng tay trên hai bàn tay của Trương Huy đều cắt rất gọn gàng, quanh eo chỉ quấn một cái thắt lưng vải đơn giản, không hề giống kẻ quen hại người chút nào.

Ba người đi trong núi mất chừng một ngày, mãi đến khi trời nhá nhem tối, họ mới rẽ xuống một con đường nhỏ bí ẩn trong rừng, tới một thôn làng khác.

“Đến rồi”. Trương Huy cười bảo.

Anh ta xoay người xuống ngựa, thổi còi trúc, ngay lập tức có người trong làng ra đón, mấy cô gái xì xào ra dắt ngựa.

Trương Huy nói: “Đi thăm Tiểu Đường trước đã”. Dứt lời, anh ta dặn dò mấy câu, hình như là bảo mọi người chuẩn bị cơm nước gì đó, mắng mấy cô gái kia đừng đon đả quá làm khách ngại, các cô bèn cười tản đi ngay.

Bốn người đàn ông mặc trang phục tộc Miêu đi theo sau Trương Huy tiến thẳng vào thôn, có già có trẻ, người dân trong thôn họ gặp trên đường đều dừng việc đang làm, cúi người chào hỏi Trương Huy.

“Ồ, anh còn là thủ lĩnh của họ nữa à”. Triển Hành trêu đùa: “Anh là hoàng tử hả?”.

Trương Huy ngại ngùng: “Đừng nói nữa, chẳng có gì to tát đâu”.

Trong thôn có khoảng ba bốn trăm căn nhà, đều là nhà sàn giống hệt nhau, còn nuôi cả đàn gà vịt, hơn trăm con ngựa Điền, để tiện vận chuyển hàng hóa ra ngoài, sau núi là ruộng bậc thang đắm mình dưới ánh hoàng hôn, nam cày cấy nữ dệt vải, cảnh sắc đậm nét đào nguyên Vũ Lăng[6].

Trương Huy dẫn bọn họ lên căn nhà sàn to nhất ở ngay giữa thôn, rồi bảo người theo bên cạnh lui xuống, Triển Hành vào nhà, trông thấy Đường Du nằm im re trên giường không nhúc nhích, gần đống lửa bập bùng.

“Cậu ta sao thế!”. Triển Hành hốt hoảng nói.

Triển Hành xông lên bóp cổ Đường Du lắc như điên: “Cậu tỉnh lại đi! Cậu đừng xảy ra chuyện mà!”.

Lâm Cảnh Phong: “…”.

Trương Huy: “…”.

Đường Du bật dậy choảng nhau với Triển Hành, quát um lên: “Ông đây đang ngủ! Lắc cái con em gái mày!”.

Trương Huy nói: “Cậu ta bị gả kim tằm, anh nhớ cậu có một món bảo vật trừ tà phải không, Triển Hành?”.

Triển Hành đáp: “Có, xảy ra chuyện gì thế? Kim tằm là gì?”.

Lâm Cảnh Phong cau mày bảo: “Cổ kim tằm à? Anh cần thứ này phải không, tôi cầm đây”.

Trương Huy đón lấy cục đá vuông, như trút được gánh nặng: “Như vậy thì ổn rồi”.

Triển Hành lập tức nói: “Tôi biết cổ kim tằm nè! Là cái món ăn một lần thăng một cấp ấy à! Cậu thăng mấy cấp rồi? Bạn Tiểu Đường ơi, có đồ ngon phải mang ra chia cho mọi người cùng hưởng với chứ”.

Đường Du phát điên đè Triển Hành ra đập cho một trận: “Mày tưởng đang chơi Tiên Kiếm hả! Lại còn ăn một lần lên một cấp nữa! Ông đây sắp toi tới nơi rồi!”.

Trương Huy kéo Triển Hành ra, ấn cậu ngồi ngay ngắn, nói: “Giúp một tay đi”.

“Cổ kim tằm là một trong bảy loại cổ độc hàng đầu”. Trương Huy giải thích: “Người Miêu có nuôi kim tằm trong nhà, nhưng bây giờ thì hiếm thấy lắm, mỗi ngày đều phải cho nó ăn bốn phần đương quy mới nuôi sống nổi, dùng phân kim tằm để thả cổ, mỗi năm người nuôi cổ phải tìm ai đó để thả cổ một lần, bằng không sẽ bị nó cắn ngược lại… nằm xuống đi”.

 Triển Hành hiếu kỳ nói: “Cậu trêu ngươi ai vậy, được cô em gái người Miêu xinh xắn nào đó ngắm trúng rồi?”.

Đường Du: “Không có!”, nói xong nằm yên không nhúc nhích.

Trương Huy vén áo trong của Đường Du lên, đặt cục đá vuông lạnh như băng lên phần bụng dưới của cậu, sau đó quay ra ngoài dặn một câu, ngoài nhà sàn có người đáp lại rồi đi ngay.

Trương Huy: “Có người nuôi mãi rồi, không muốn chơi kim tằm nữa, lại không thể vứt được, bèn bỏ kim tằm vào trong một cái hộp rồi để nó ở bên vệ đường, chờ người qua đường nhặt lấy, nên mới gọi là gả kim tằm”.

Triển Hành hiểu ra: “Tự dưng cậu đi nhặt cái hộp vớ vẩn ấy về làm gì?”.

Đường Du tức giận nói: “Tôi chỉ là thấy cái hộp sắt ấy được chế tạo tinh xảo quá…”.

Triển Hành lè lưỡi trêu ngươi: “Táy máy là chết táy máy là chết”.

Ngày hôm đó đi tới Cẩm Bình, Trương Huy liên hệ người lấy ngựa, Đường Du và Hoắc Hổ đứng ven đường chờ, đột nhiên Đường Du thấy ở bên đường có một cái hộp, bèn tò mò thử mở nó xem, nhưng trong hộp trống không, chẳng có cái gì hết, lúc Trương Huy trở lại trông thấy thì tái mét mặt mày.

“Tôi đã dùng một loại cổ khác tạm thời áp chế con kim tằm trong cơ thể Tiểu Đường”. Trương Huy nói: “Giờ mà ép được nó ra thì không sao nữa”.

Triển Hành chợt nhớ tới Hoắc Hổ: “Ơ, anh Hổ đâu?”.

“Lên núi bắt côn trùng rồi”. Trương Huy nói: “Tới giờ ăn anh ấy sẽ về thôi”.

Trương Huy đẩy cục đá vuông dọc lên theo lồng ngực Đường Du, sắc mặt Đường Du trở nên rất quái dị, Triển Hành lại hỏi: “Sắp sinh rồi à? Gắng lên…”.

Đường Du: “…”.

Cửa bị đẩy ra đánh rầm một tiếng, Triển Hành nhảy dựng lên.

“Anh Hổ”.

“Triển Hành”.

Hoắc Hổ tuôn trào lệ nóng cùng Triển Hành gào khóc ôm nhau, tiếp theo đẩy Triển Hành sang một bên, lọ mọ lục ba lô của cậu: “Thứ cậu đem cho đại ca đâu?”.

Triển Hành tức giận: “Anh chỉ biết có ăn thôi! Không có gì tặng em à?”.

Hoắc Hổ lấy một đống lọ thủy tinh từ trên giá xuống, trong lọ toàn những con côn trùng hình thù quái dị: “Đây, tặng cậu đó. Tiểu Đường khỏe hơn chưa?”.

Triển Hành: “Em không thích bươm bướm! Anh là đồ ngớ ngẩn không cả biết làm tiêu bản, xẹp lép hết trơn rồi! Anh không biết hong phơi sấy khô à!”.

Đường Du gắt um lên: “Bỏ cái lọ ra! Tôi ghét lũ côn trùng á á á!”.

Lâm Cảnh Phong: “Đừng có ồn ào nữa ba cái đứa kia!”.

Trương Huy kêu khổ thấu trời, mấy hôm trước chỉ có Đường Du và Hoắc Hổ thì mọi thứ vẫn coi như bình thường, giờ có thêm thằng nhóc Triển Hành, sức phá hoại lập tức tăng lên gấp bội, Triển Hành mới tới có năm phút đã muốn lật ngược cả căn nhà sàn này lên rồi.

Có người bưng chén thuốc đẩy cửa đi vào, Trương Huy nói: “Đây là nước sắc từ vỏ quả lựu, uống đi”.

Triển Hành: “Bỏ thêm chút đường cho cậu ấy đi, trông có vẻ chát quá”.

Đường Du: “Sắp ngỏm tới nơi rồi còn lo chát”.

Trương Huy cho Đường Du uống nước vỏ lựu rồi dặn: “Triển Hành đè cục đá giúp cậu ấy đi, đừng thả lỏng tay đấy”. Nói xong anh xoay người đi tìm đồ.

Đường Du hít vào hít vào, Triển Hành thốt lên: “Ôi! Chân thò ra rồi! Gắng rặn đi!”.

Đường Du phụt một tiếng, há miệng nôn ọe ra một bãi nước vỏ lựu chua loét, bắn đầy cả người.

Trong nước lựu có một con sâu nhỏ màu vàng kim đang ngọ nguậy, còn có thêm một con sâu nhỏ màu xanh lá khác ngậm chặt đuôi nó không tha.

Đường Du thở phào một hơi.

Triển Hành: “Hơ? Con này là cổ kim tằm à?”.

Đường Du: “Cầm lên tôi xem nào”.

Triển Hành nhặt con sâu nhỏ màu vàng kia lên, Trương Huy bưng một cái bình sứ vào, lập tức tái mặt: “Đừng đụng vào nó!”.

Con sâu nhỏ màu vàng vừa được nhặt lên đã biến mất tiêu, Triển Hành chẳng hiểu ra làm sao: “???”.

Trương Huy: “Nó chạy vào người cậu rồi”.

Triển Hành: “…”.

Đường Du: “Há há há há! Cho mày biết thế nào là táy máy!”.

Triển Hành lật bàn: “Mày cố ý! Khốn nạn…”.

Thế là Trương Huy lại phải bào chế thuốc thêm lần nữa, lần này đổi sang Triển Hành nằm ngửa, Đường Du đứng một bên hả hê reo hò: “Sắp sinh hả? Chân thò ra rồi kìa!”.

Lần thứ hai kim tằm bị nôn ra, con sâu nhỏ rớt xuống nền nhà, Trương Huy lập tức dùng cái vò chụp lấy nó, rồi nhét một mẩu bùa vào khe hở giữa miệng vò và sàn nhà, lật cái vò lại, gập gọn lá bùa, bịt kín miệng vò, dùng bùn trát cho chặt, rồi đưa cho người mang ra ngoài.

Trương Huy lau mồ hôi: “Đi ăn cơm được rồi”.

Lâm Cảnh Phong: “Giờ mới biết làm thủ lĩnh của đám quân nhi đồng mệt thế nào rồi đúng không”.

Trương Huy sầu não gật đầu.

Triển Hành và Đường Du mặt mày xanh xao, đều là lũ táy máy và xui xẻo như nhau, mới được giải cổ độc xong, cả hai đều uể oải không sốc dậy nổi tinh thần, người trong tộc bưng đồ ăn lên rồi lui xuống, nào là cá nấu canh chua, món ngon dân dã, thịt nai, nấm quý, măng trúc các loại bày đầy cả bàn, còn có cả rượu ngon tự ủ trong trại nữa chứ.

Triển Hành: “Em không uống đâu, ợ… cả người đầy mùi lựu”.

Trương Huy nói: “Biết rồi, anh đã chuẩn bị sẵn nước mật ong cho hai cậu đây, nào, anh Hoắc, chú em Lâm…”.

Trương Huy đích thân bê vò ra rót đầy rượu cho Lâm Cảnh Phong và Hoắc Hổ, bưng chén nói: “Trương Huy kính các vị một chén, cảm ơn mọi người đã nể mặt”.

Nhưng Lâm Cảnh Phong không nâng chén, chỉ hờ hững nói: “Rượu này chưa thể uống được, anh gọi bọn tôi tới để làm gì? Bây giờ đã nói được chưa? Anh phải làm rõ tôi mới dám uống”.

Trương Huy thở dài, bỏ chén xuống, như thể đang nghĩ xem phải bắt đầu nói từ đâu, mãi một lúc sau mới mở miệng: “Các cậu có biết nước cổ Ba Thục thời trước Tần không?”.

 

Chú thích:

[1] Tên một chuỗi cửa hàng tiện ích quốc tế, hoạt động theo hình thức nhượng quyền kinh doanh, là nhà khai thác, chuyển nhượng, cấp phép các cửa hàng tiện ích lớn nhất thế giới.

[2] Một cú (piào) phát âm giống một pháo (bāo).

[3] Tên gọi khác của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

[4] Một dân tộc thiểu số của Trung Quốc, phân bố chủ yếu ở các vùng nông thôn và vùng núi thuộc các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.

[5] Thuật Hàng Đầu (Tame Head) là một loại vu thuật lưu hành ở Đông Nam Á, tương truyền có nguồn gốc từ vùng cổ thuật của tộc Miêu ở khu vực Vân Nam – Tứ Xuyên (Trung Quốc).

[6] Vũ Lăng là một vùng đất thuộc quận Thời Dương, gần với đất của người Di. Đào nguyên nghĩa là suối hoa đào. Theo “Đào Tiềm đào hoa nguyên ký”, những năm niên hiệu Thái Nguyên đời Tấn, người Vũ Lăng làm nghề đánh cá, đi theo con suối, quên mất đường xa gần, chợt gặp rừng hoa đào cách bờ vài trăm bước, cỏ thơm tươi đẹp, ánh sáng chan hòa, dân chài lấy làm lạ, dong thuyền tiến lên xem, đi hết rừng thì gặp suối, đi theo suối thì gặp hang, đi qua hang thấy một ngôi làng, có nhà cửa san sát, ruộng tốt ao sâu, vật nuôi béo tốt, cây trồng xanh tươi, dân làng chất phác vui vẻ, tiếp đón dân chài nồng hậu, hỏi ra mới biết họ vào đây chạy loạn tránh nhà Tần, từ đó sống tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, không biết gì về thời thế ngoài kia, chẳng hiểu đang là thời Hán hay thời Ngụy, Tấn. Ai nghe cũng thở dài, dân chài được tiếp đãi chu đáo, mấy ngày sau trở về, bẩm với quan Thái Thú, nhưng quan sai đi tìm lại không ra.

Từ đó câu chuyện đào nguyên Vũ Lăng trở thành điển tích chỉ những nơi con người sống yên bình, cách biệt hồng trần, không màng thế sự.


Vui lòng click vào dấu mũi tên để lùi hoặc sang chương kế tiếp