PHONG KHỞI LŨNG TÂY

Chương 01 (Phong Khởi Lũng Tây)

trước
tiếp

QUYỂN 1: MƯỜI MỘT NGÀY CỦA HÁN TRUNG

Chương 01: Mai phục và trung thành

Ngày mùng sáu tháng hai năm thứ ba niên hiệu Thái Hòa nước Ngụy, tại thành Thượng Khê quận Thiên Thủy nước Ngụy.

Trần Cung bước ra khỏi nhà vào đúng lúc tiếng mõ canh báo giờ Thìn vang lên. Trên đầu gã đội một cái nón, trên người mặc áo dài màu xanh đen có chút phai màu nhưng giặt rất sạch sẽ, bên hông đeo một túi vải, trong đó có giấy và bút mực. Trần Cung cẩn thận kiểm tra lại trang bị, sau đó khóa kỹ cửa lại, đẩy cửa đi ra ngoài.

“Trần Chủ Ký, ngài ra ngoài sớm thế?” Hàng xóm đối diện nhà Trần Cung nhìn thấy gã đi ra cất lời chào hỏi.

“Ừ đấy, đang giai đoạn căng thẳng mà.”

Trần Cung cũng mỉm cười trả lời. Hai người dừng lại hỏi thăm vài câu ngắn gọn, sau đó chào từ biệt. Trong mắt hàng xóm, Trần Cung là một người đáng tôn kính, ôn văn nho nhã, đối nhân xử thế đều rất có chừng mực, quan trọng nhất là gã thực sự rất yên tĩnh, đây là điều kiện quan trọng nhất để trở thành một hàng xóm tốt. Trần Cung còn tốt hơn nhiều những võ tướng quân Ngụy ngày nào cũng uống say đánh trống hát hò nhức hết cả đầu.

Trần Cung đi đến cửa thành, hai binh lính mặc đồ đen đang canh ở đó, tay cầm giáo mác, thỉnh thoảng ngáp dài. Trần Cung đưa lệnh bài bằng gỗ do chính mình chế tạo ra cho bọn họ xem, đồng thời chủ động mở bao vải. Một người lính theo đúng quy tắc nhìn lệnh bài của gã: “Trần Chủ Ký, ngài ăn mặc thế này định đi đâu xa nhà sao?”

“Hôm nay ở Trang Lãng có phiên chợ, Mã thái thú phái ta đi thu mua một bầy la về cho quân đội dùng.” Trần Cung giải thích, trong đó có một binh sĩ nghi hoặc hỏi: “Không đúng mùa lắm, tầm này la đã đẻ đâu.” Trần Cung xua tay tỏ ý không hề gì, nhỏ giọng nói: “Đáng tiếc cấp trên của ta không biết.” Binh lính nghe gã nói xong, cười ha ha, phất tay cho gã đi qua.

Sau khi đến phủ thái thú Thượng Khuê, Trần Cung điền vào một lá phiếu công tác, viết rõ địa điểm và mục đích nơi mình sắp đến, trực tiếp mang nó đi tìm thái thú Mã Tuân đóng dấu. Mã Tuân là một người đàn ông trung niên hơn bốn mươi tuổi, đã ngồi vị trí thái thú Thiên Thủy hơn bốn năm, là một viên quan nhút nhát vô năng. Trong khoảng thời gian Gia Cát Lượng lần đầu tiên Bắc phạt, hắn không chỉ không thể ngăn cản nước Ngụy nội loạn, hơn nữa còn vì sự đa nghi của chính mình mà khiến cho Khương Duy đầu phục nước Thục. Sai lầm này dẫn đến hậu quả đến mười mấy năm sau vẫn còn nhức nhối, có người nói chuyện hắn bị triều đình bỏ cũ thay mới chỉ là vấn đề thời gian.

Dịch bởi: Tàng Thư Quán – https://tangthuquan.com/

Mã Tuân hờ hững nhìn thoáng qua lá đơn công tác của Trần Cung, lẩm bẩm: “Phái hẳn một Chủ Ký làm cái chuyện mua ngựa vặt vãnh này, triều đình cũng thật chẳng phân biệt nặng nhẹ. Lương Kiệm à, thật là uất ức cho ngươi quá.”

“Thượng Khuê chính là nơi xung yếu của nước ta, nằm phía bên phải Lũng Tây, việc bổ sung quân lực chính là chuyện cấp bách mà.”

Trần Cung cúi đầu khiêm cung trả lời, gã được ngồi vào chức này từ sau khi Chủ Ký Lương Kiền trước đây theo Khương Duy lưu vong đến nước Thục, chứ không phải thân tín của Mã Tuân. Đối với ý tốt của vị cấp trên này, gã không muốn đáp lại quá nhiệt tình.

“Ồ……” Mã Tuân ước chừng cũng ý thức được thời gian của mình cũng không còn nhiều, biểu cảm lập tức chán chường đi. Hắn lấy ra con dấu đóng qua loa lên lá đơn, sau đó kêu Trần Cung lui ra.

Đúng lúc Trần Cung rời khỏi phòng Mã Tuân thì nghe được tiếng giáp trụ kim loại va nhau liểng xiểng. Hắn quay đầu lại xem, nhìn thấy Quách Hoài thứ sử Ung Châu cùng vài tên hộ vệ toàn thân mặc giáp trụ chỉnh tề, bước đi nhanh về phía bên này. Trần Cung vội vàng đứng ở bên cạnh hành lang, kính cẩn cúi đầu; lúc Quách Hoài đi ngang qua bên cạnh Trần Cung hơi gật đầu với gã, sau đó tiếp tục đi về phía trước, trên khuôn mặt ngăm đen gầy gò không lộ ra chút biểu tình nào.

Thượng Khuê nằm ở quận Thiên Thủy phía Bắc Kỳ Sơn, là nơi yết hầu phía trước của Lương Châu, vị trí chiến lược khá quan trọng. Thủ phủ quận Thiên Thủy vốn là Ký Thành phía Tây Bắc, nhưng nơi đó cách tiền tuyến quá xa. Để ứng phó quân Thục có thể tiến công bất cứ lúc nào, quân Ngụy không thể không chuyển bố trí phòng ngự khỏi Kỳ Sơn đến gần Thượng Khuê. Vì thế nơi này trở thành trụ sở tổng tư lệnh thực tế của khu vực Lũng Tây cũng như thủ phủ của quận Thiên Thủy.

Trước mắt người phụ trách khu vực phòng ngự Tây Bắc chính là thứ sử Quách Hoài – Ngụy quốc Ung Châu. Khi còn trẻ ông đã từng giữa chức quan quân tầm trung ở dưới trướng Hạ Hầu Uyên, là một quân nhân điển hình, ít khi nói cười, tác phong nghiêm cẩn mà mộc mạc.

Từ sau khi kết thúc Bắc phạt lần hai, Quách Hoài vẫn luôn tận sức với công tác phòng ngự ở Thượng Khuê. Ông hy vọng có thể xây dựng nơi này thành một pháo đài quân sự tiến có thể kẹp chặt Hán Trung, lùi có thể ngăn chặn quân Thục ở Kỳ Sơn. Theo tính toán của ông, ngoại trừ phân phối tiếp viện của triều đình, Thượng Khuê cũng có thể thu gom vật tư thông qua giao dịch với triều đình lẫn dân gian.

Lần này Trần Cung đi đến Trang Lãng mua la chính là xuất phát từ yêu cầu của quân đội. Không chỉ Trần Cung, những phụ tá khác của phủ Thái thú cũng thường xuyên được yêu cầu đi làm công việc thu gom các vật tư thiết yếu như lương thảo, bó củi, rượu, vải vóc, sắt thép, súc vật. Vì thế rất nhiều người oán giận nói Quách Hoài biến đường đường phủ thái thú Thiên Thủy thành bộ phận hậu cần cho quân đội, nghe nói bản thân Quách Hoài đã trả lời nỗi oán giận này rằng: Chẳng lẽ các ngươi thấy sai sao?

Trần Cung cầm đơn đi vào kho lấy một trăm năm mươi hộp kê và hai mươi xấp lụa, gọi người chuyển những thứ này lên xe ngựa. Ở thời đại này, đồng tiền chỉ là tiền hợp pháp trên danh nghĩa, còn thực tế giao dịch ở dân gian chỉ có thể tiến hành bằng hình thức hàng đổi hàng. Nếu triều đình không thể đạt được thành tựu về mặt kinh tế, như vậy quan viên bên dưới cũng chỉ có thể tiến hành mua bán theo thông lệ của xã hội.

Trang Lãng cách Thượng Khuê khoảng một trăm mười dặm về phía Bắc, là nơi cung cấp lương thực quan trọng của khu vực Lũng Tây, cũng là đầu mối vận chuyển vật tư then chốt ở bên phái Quan Trung, quy mô dân cư khá lớn. Vì thế nó không chỉ là thông đạo tiếp viện của triều đình, mà còn hấp dẫn rất nhiều thương nhân Tây Vực cùng Trung Nguyên tập trung tại nơi đây giao dịch, dần dần hình thành chợ quy mô lớn.

Từ phía sau Thượng Khuê đi dọc theo đường cái về phía đông, đoàn xe của Trần Cung ước chừng mất năm canh giờ mới đến được khu vực Trang Lãng. Trần Cung ra lệnh cho xa phu dừng xe bò ở một gò đất phía Tây của Trang Lãng, sau đó đưa theo một người phụ trách ghi chép sổ sách vào trong thành Trang Lãng.

Để tiện cho phương tiện thương lữ ra vào, mấy năm trước Trang Lãng từng sửa lại cửa thành, thành ra cửa thành trông rộng lớn khác thường. Giằng co căng thẳng giữa hai nước Ngụy, Thục ở biên cảnh không ảnh hưởng chút nào đến phồn vinh nơi này, thương nhân ăn mặc màu mè phục sức quý giá mang theo mặt hàng của mình tìm kiếm người mua thích hợp, trên chợ xe cộ qua lại, âm thanh náo nhiệt ầm ĩ. Nghe nói ngay cả trong cung nước Ngụy có nhiều thứ cũng phải chạy đến đây mua sắm, đủ thấy sự phong phú của hàng hóa nơi này.

Trần Cung không bị các món hàng đủ loại làm cho hoa mắt, gã trực tiếp đi tới nơi trao đổi ngựa ở thành Đông. Rất nhiều người buôn ngựa đến từ Tây Lương và tận cùng phương Bắc hoạt động ở phía này, đây là mục tiêu của Trần Cung.

Đến gần chợ trao đổi ngựa là có thể ngửi được mùi phân ngựa gay mũi, tuấn mã đủ kiểu ở những chuồng gỗ được rào chắn cẩn thận khác nhau phát ra tiếng phì phì trong mũi, trên lan can treo biển chế từ vỏ cây, trên đó viết nơi sản sinh, giới tính, tuổi tác của ngựa, còn người buôn ngựa thì ôm cánh tay đứng ở một bên, hét to ưu điểm của ngựa mình bán mỗi khi có khách đi qua; có gã buôn ngựa còn rửa sạch sạch sẽ hàm thiếc và dây cương lẫn bộ yên ngựa treo ở lan can, dùng để thu hút khách hàng. Ở chuồng bên cạnh rào chắn đơn sơ hơn thì bán lừa và la, những góc đó không đẹp đẽ như chỗ bán ngựa. Bán ngựa phần nhiều là người dân tộc Khương và Hung Nô, ăn mặc tương đối quái dị, còn bán lừa và la thì thương nhân Trung Nguyên là chủ yếu.

Đối diện với đám ngựa này, Trần Cung có chút thất thần, cứ lưỡng lự đi tới đi lui trước rào chắn. Cuối cùng, gã chú ý tới một thẻ bài kỳ lạ trước gian bán lừa, thẻ bài kia được chấm một giọt mực nhẹ nhàng thanh nhạt nghiêng phía trên chữa “lừa”, giống khi viết chữ vô tình rắc lên, không cẩn thận thì không nhìn ra. Trần Cung lại lượn lờ mấy vòng, hỏi giá từng nhà bán ngựa, lần lượt bốn chuồng, cuối cùng đi tới trước một rào chắn.

“Này lừa có chủ không?”

Trần Cung lớn tiếng hỏi, chủ lừa lúc này vội vàng đi tới, cúi đầu khom lưng, liên tục xưng có. Đây là một người đàn ông Trung Nguyên gầy nhỏ khô quắt, tuổi không lớn lại đầy mặt nếp nhăn, trên tóc dính đầy rơm rạ.

“Đại gia, ta này đầu lừa bán năm hộp kê, nếu không thì hai xấp lụa.”

“Đắt quá, rẻ chút được không?”

Chủ lừa nhanh chóng bày bộ mặt khổ sở, mở hai tay ra: “Đại gia ơi xin ngài thương xót, nơi này là Lũng Tây, không thể giàu có và đông đúc như cố đô của chúng ta được đâu.” Nghe được chủ lừa nói như vậy, trong ánh mắt Trần Cung hiện lên một đạo quang mang sắc bén, hơi hiện lướt qua, gã chậm rãi trả lời: “Ngươi nói cố nào, Lạc Dương hay là Trường An?”

“Đương nhiên là Trường An, chỗ ở của Xích Đế.”

“Ồ…”

Dịch bởi: Tàng Thư Quán – https://tangthuquan.com/

Trần Cung nghe được hắn nói như vậy, như có chiều suy tư gật gật đầu, nghiêng đầu nhìn người tính toán sổ sách tên Độ Chi. Người kia lại rất có hứng thú ngắm nghía đám lừa cách vách, căn bản không chú ý tới hai người bọn họ nói chuyện. Vì thế Trần Cung bảo chủ lừa dắt lừa ra, gọi Độ Chi tới ghi sổ sách, viết một phiếu mua lừa, sau đó giao cho chủ lừa kêu hắn mang theo lừa đi đến đoàn xe ngoài cửa thành giao hàng. Lừa chủ ngàn ân vạn tạ, còn ân cần mà tròng một bộ đồ thồ lên người con lừa nữa.

Kế tiếp Trần Cung lại thăm viếng mấy chuồng bán lừa nữa, mua ba con lừa, hai con la cùng hai con ngựa. Chờ đến khi mặt trời xuống núi, Trần Cung đã gần như tiêu hết số kê và vải mang theo. Sau khi thànhTrang Lãng vào đêm thì cửa thành đóng lại, bởi vậy những thương nhân không tính qua đêm trong thành đều nối đuôi nhau rời thành. Trần Cung cùng Độ Chi bàn bạc một lúc, quyết định không ở trong thành Trang Lãng, mà đi thêm một đoạn đường về phía Nam, nghỉ ngơi ở dịch trạm ven đường.

Vì thế toàn bộ đoàn xe đi về phía Nam ước chừng hơn một canh giờ, nhìn thấy một dịch trạm ven đường dành riêng cho quân đội. Trần Cung nói chi bằng chúng ta ở lại đây nghỉ tạm, sáng sớm ngày mai trở về Thượng Khuê. Độ Chi cùng bọn xa phu đã mệt lắm rồi liền gật đầu lia lịa. Trong dịch trạm có chuồng ngựa, bọn xa phu chuyển ngựa, lừa la mua được vào cột lại, ném cho chút cỏ khô rồi tự mình đi tìm chỗ ngủ.

Không ai để ý tới, sau khi đám xa phu rời đi thì Trần Cung lén lút đi vào chuồng ngựa. Hắn đi đến trước mặt con lừa mua đầu tiên hôm nay, gỡ bộ đồ thồ trên lưng nó xuống. Bộ đồ thồ này có hình thang bẹt, bên sườn dùng gỗ liễu làm thành một cái khung, bên ngoài lại dùng da trâu bịt lại, rất là cứng cáp, có thể đảm bảo lặn lội đường xa. Trần Cung tiến đến vuốt ve bên cạnh bộ đồ thồ, mau chóng phát hiện một góc da trâu trên đó có thể vén lên; gã nhìn quanh thấy bốn bề vắng lặng thì cẩn thận vén mảnh da trâu, sau đó đưa tay vào bên trong bộ đồ thồ trống không, lấy ra một tờ giấy gấp gọn. Trần Cung nhanh nhẹn bỏ miếng giấy vào trong lồng ngực, tiếp tục ấn da trâu trở lại hình dạng cũ, lặng yên không một tiếng động mà rời khỏi chuồng ngựa.

Trần Cung trở lại phòng, Độ Chi vẫn đang ngáy như sấm. Trần Cung chuyển chậu than đã tắt sang một bên, nằm xuống chỗ vẫn còn hơi ấm của than nhanh chóng đi vào giấc ngủ.

Buổi sáng ngày hôm sau, đoàn xe lên đường từ sớm, trước khi hết trưa đã thuận lợi đến Thượng Khuê. Trần Cung giao súc vật vào kho, sau đó đi đến phủ Thái Thú nộp lại đơn đi công tác, xin miễn đề nghị đi uống rượu của đồng liêu, trực tiếp về nhà mình.

Trước mặt Trần Cung vẫn độc thân, hàng xóm đều biết trước khi gã chuyển đến quận Thiên Thủy thì nương tử đã chết vì bệnh tật, mà gã vẫn không có ý định tái hôn. Trong nhà gã rất đơn giản, ngoại trừ phòng khách cùng phòng bếp, cũng chỉ có một gian thư phòng kiêm luôn phòng ngủ. Có một lão bộc vừa câm vừa điếc giúp gã xử lý việc nhà.

Sau khi Trần Cung về đén nhà, lão bộc bưng tới cho gã một chén canh thịt dê bỏ thêm rau thơm cùng đậu ve, còn có hai củ cà rốt nấu chín. Trần Cung nhận chén, vẫy vẫy tay cho ông đi xuống nghỉ ngơi, còn mình thì vào phòng ngủ, đóng kín cửa phòng lại. Phòng ngủ không lớn, tất cả hai sườn nhà đều là kệ sách, trên đó bày rất nhiều loại sách dày mỏng không đều; có một chiếc giường ở bên cửa sổ, mép giường còn bày một chiếc bàn dài, bên cạnh là chiếc bình phong vẽ hình bảy vũ nữ nhảy múa.

Sau khi xác định trong phòng chỉ còn một mình mình, Trần Cung kéo bình phong che sau chính mình, sau đó quỳ xuống trước cái bàn châm nến lên, móc tờ giấy ở trong ngực ra.


Vui lòng click vào dấu mũi tên để lùi hoặc sang chương kế tiếp