TRƯƠNG CÔNG ÁN

REVIEW TRƯƠNG CÔNG ÁN - PHẦN ỐNG BÚT QUỶ VÀ NHỮNG CÂU HỎI CÒN BỎ NGỎ

trước
tiếp

Trương Công Án theo tôi không phải là một cuốn tiểu thuyết điều tra phá án xuất sắc. Mặc dù Đại Phong rất cố gắng cài cắm plot twist, các cuốn tiểu thuyết trước đó của cô ấy cũng thể hiện rất rõ năng lực sắp đặt bố cục, nhưng điều này cũng không khiến cho quá trình suy luận phá án nhuốm màu huyền nghi của cô ấy trở nên nổi trội. Cho nên tôi vẫn có thể đọc tiếp thật ra là do yêu thích cách Đại Phong xây dựng thế giới nhân vật hết sức đa dạng và có chiều sâu của mình.

 

Phần Ống Bút Quỷ:

Tôi rất thích phần Ống Bút Quỷ trong Trương Công Án. Phần này không quá dài, logic chặt chẽ, trong án có án, lại chứa đựng cả sự tự giễu và tự ngẫm mà Đại Phong dành cho bản thân mình.

 

Ví dụ nói đến Phong Nhược Kỳ, phong cách văn chương có nhiều chỗ làm màu, sau khi bị Mã Liêm đạo văn, ăn cắp, bôi đen thì đã viết sách biến Mã Liêm thành nhân vật của mình, khiến hắn chết không tử tế, sau khi trút giận xong lại cảm thấy mình mất đi nghĩa khí.

 

Ân oán giữa Phong Nhược Kỳ và Mã Liêm từ trong miệng người khác nói ra chứa đầy màu sắc tình cảm nồng đậm, lại có thêm cảm giác thêm mắm thêm muối buôn dưa vỉa hè. Lúc đó có lẽ Phong Nhược Kỳ cũng cho rằng chủ mưu bôi đen mình là Mã Liêm, chung quy ân oán giữa họ quá sâu nên dễ dàng liên tưởng như vậy, sau lại phát hiện Mã Liêm chỉ là nhân lúc cháy nhà hôi của bỏ đá xuống giếng mà thôi.

 

Mã Liêm nghĩ rằng anh mình Mã Hồng là người tốt, hơn nữa đến chết vẫn một mực nói rằng Trần Tử Thương đạo văn, sau khi vụ án đạo văn bị Vân Đường phủ định, phái Thanh Lưu bị tổn thất rất nhiều, cho nên dưới suy nghĩ của Mã Liêm, anh trai hắn là vật hi sinh trong tranh chấp bè phái. Hắn muốn báo thù, muốn hạ bệ phái Độc Lựu, dù cho văn phái đó đứng đầu là Vân thái phó, hắn chẳng khác nào là con kiến rung cây, nên mới tìm đường tắt cầu nổi danh nhanh chóng mà tự hủy đi danh dự cầm bút của mình, tiếp cận Vương Tuyên và khiến cho phái Thanh Lưu chú ý.

 

Mã Liêm tiếp cận Vương Tuyên, xúi Vương Tuyên mua hai nha hoàn cài vào Liễu phủ, tạo ra nghi án Ống Bút Quỷ. Nếu chuyện xảy ra, nha hoàn tự sát, Vương Tuyên tự nhiên trở thành kẻ tình nghi lớn nhất. Khi đó chỉ cần Vương Nghiên thiên vị Vương Tuyên thì cũng bị kéo xuống bùn.

 

Tiếp nữa hắn lại cố ý làm rối tung vụ án gian lận trong trường thi, lấy danh thậm chí mạng mình để vạch trần phái Độc Lựu tham ô lừa đảo. Thật ra ngoại trừ báo thù, cũng có thể xem Mã Liêm làm điều này vì chính nghĩa, dù sao thứ hắn đối phó chính là bè phái hủ lậu trong mắt dân chúng, hạ bệ họ cũng là cống hiến cho xã tắc. Cho nên Trương Bình mới nói, Mã Liêm và hai cô a hoàn cũng là vì chính nghĩa trong lòng mình.

 

Thật ra ngẫm cho kỹ thì Mã Liêm cũng rất bi ai, tốn bao nhiêu công sức cũng chưa chắc kinh động được mảy may cục diện gì, trái lại còn tự chui đầu vào lưới cho người nhà họ Chu báo thù. Oan oan tương báo đều do thế hệ sau gánh lấy, trong khi những người làm ác thật sự thì đã sớm ra người thiên cổ. Mã Liêm vừa là nạn nhân lại vừa là hung thủ, thật ra đáng trách cũng rất đáng thương.

 

Nhân nói đến “những người làm ác thật sự đã sớm ra người thiên cổ”, chúng ta hãy cùng lật lại một vài nghi vấn trong vụ án mấy chục năm trước – khởi đầu của mọi bi kịch nhưng lại được nhắc đến chóng vánh khiến nhiều người chưa kịp định hình:

 

Về vụ án thủy phỉ giết người cướp của:

 

1, Vì sao lại để một mình Chu Công Toại hộ tống bản gốc của Gia Cát Trinh về kinh?

Ngoại trừ Trần Văn Định, Chu Công Toại, thì chỉ có hoàng đế và một vài quan viên từng thượng báo sự việc cho triều đình là người biết đến sự tồn tại của bản gốc Gia Cát Trinh. Nếu như triều đình phái người đi hộ tống, trịnh trọng gióng trống khua chiêng, thì càng làm cho người ta chú ý, dẫn đến dễ bị cướp hơn. Cho nên triều đình mới quyết định hành sự kín kẽ, lại để Chu Công Toại lấy danh nghĩa đưa gia quyết hồi hương thăm viếng người thân trở về kinh để che mắt người đời, bí mật hộ tống bản gốc hồi kinh.

 

2, Vì sao Trần Văn Định vì một bản gốc chữ viết của Gia Cát Trinh mà giết bạn tốt của chính mình đoạt bảo?

Cũng giống như Kim Trì trưởng lão trong Tây Du ký, vì muốn chiếm áo gấm cà sa mà tính thiêu chết thầy trò Đường Tăng.

Tựa như thi nhân Tống Chi Vấn, vì muốn chiếm “Năm năm tháng tháng hoa như cũ, tháng tháng năm năm người khác xưa” làm của riêng mà vướng nghi án sát hại cháu ngoại Lưu Hy Di của mình.

Con người đều có tham niệm, vì tham niệm nhất thời mà giết người, kể cả bạn tốt của mình, cũng không có gì lạ.

 

3, Vì sao Trần Văn Định để con cháu mình mô phỏng phút pháp của Gia Cát Trinh? Không sợ bị bại lộ sao?

Bản gốc “Lan Đình tập tự” của Gia Cát Trinh đã thất truyền từ lâu, không có bao nhiêu người có thể nhận ra được. Cho dù nhận được, cũng có thể nói là phong cách tự hình thành, dù sao cũng không ai có chứng cứ đó là do bắt chước nét chữ của Gia Cát Trinh.

 

4, Nếu như bản gốc của Gia Cát Trinh đã thất truyền từ lâu, Đậu Phương, Lan Giác, Đào Châu Phong làm sao có thể nhìn ra chữ viết của Trần Tử Thương là do mô phỏng?

 

Cổ nhân nghiên cứu thư pháp rất lợi hại, tương đương giám định chữ viết bây giờ.

 

Nét chữ nết người, ví dụ Trương Bình nét chữ “nhỏ đều, cứng nhắc, giống như cục gạch vuông, có sức nặng nhưng quá máy móc”, chữ của Mã Liêm thì “hư lệ phù hoa”, chữ của tiên Hoài Vương thì “nét chữ kiểu Thảo, hào hiệp phong lưu”, chữ của Thái sư Vương Cần thì “cực kỳ uy vũ bá đạo, như thấy ánh đao biên cương”, chữ của Liễu Tiễn thì “nghiêm thẳng, thanh nhàn”, chữ viết của Lan Giác lúc đầu phiêu dật linh động, nhưng để lấy lòng giám khảo năm đó yêu thích “nét bút giản dị, chữ viết ngay thẳng” mà cố gắng sửa cách viết, hiện cũng được triều đình công nhận là một trong số những nhà thư pháp nổi danh.

Người có thể nhìn ra chữ viết của Trần Tử Thương không tầm thường không nhiều lắm, chỉ có Lan Giác, Đào Châu Phong, Đậu Phương. Nhưng Lan Giác và Đào Châu Phong chỉ cho rằng Trần Tử Thương “làm sao có thể viết ra nét bút ấy” là vì chữ viết y đẹp nhưng con người “kiêu căng ngạo mạn”, nét chữ không hợp với nết người, nên ngay từ đầu không hề liên hệ gì với bút pháp của Gia Cát Trinh.

Chỉ có Đậu Phương vì cuốn “Lan Đình Tập Tự” của Gia Cát Trinh, nghi ngờ vụ án giết người năm xưa không đơn thuần là thủy phỉ cướp của giết người mà là có kẻ đứng sau sai khiến, mục tiêu chính xác nhằm vào bản gốc của Gia Cát Trinh. Ông xây dựng nhà in Tư Hiền chính là để tìm đầu mối bản gốc đó, nghiên cứu bản gốc Lan Đình Tập Tự sâu hơn bất cứ ai, thấy nét chữ của Trần Tử Thương đương nhiên dễ dàng liên tưởng đến bản gốc Gia Cát Trinh, lại vừa vặn phát hiện Trần Tử Thương là con cháu của Trần Văn Định thì càng dễ dàng kết luận.

 

5, Vì sao nhìn chữ viết của Trần Tử Thương, Đậu Phương có thể xác định vụ án thủy phỉ cướp giết năm xưa là do Trần Văn Định chủ mưu?

 

Người biết Chu Công Toại mang theo bản gốc Gia Cát Trinh hồi kinh không nhiều, Trần Văn Định vốn đã nằm trong danh sách tình nghi của Đậu Phương, cùng với chữ viết của Trần Tử Thương khiến Đậu Phương nghi ngờ Trần Văn Định là hung thủ mướn người đoạt bảo.

 

6, Vì sao Đậu Phương có manh mối lại không lật lại vụ án năm xưa, mà lại hãm hại Trần Tử Thương đến nhà tan cửa nát?

Bản án cũ đã hơn hai mươi năm, muốn lật lại không hề dễ dàng, huống chi lúc vụ án xảy ra Trần Văn Định là Tri phủ, quan lại triều đình mua chuộc thổ phỉ cướp của giết người, vụ án tổn hại đến mặt mũi triều đình như vậy cho dù có chứng cứ rõ rang triều đình của sẽ cố ém xuống. Trong khi đó Đậu Phương cũng chỉ là hoài nghi chứ không có bằng chứng thật sự.

 

Về việc làm của Đậu Phương sau khi vụ án thủy phí cướp của giết người năm xưa được tuyên án:

 

1, Bí mật cứu hai đứa con trai còn ẵm ngửa của thủy phỉ đi, thay đổi hộ tịch, gửi nuôi ở một hộ nghèo ở huyện Cam Lương quận Tây Bắc.

 

2, Làm trái lệnh cấm quan viên triều đình làm ăn kinh doanh, một mình xây dựng nhà in Tư Hiền.

 

3, Lấy danh nghĩa chủ nhà in Tư Hiền nâng đỡ Mã Hồng, Mã Liêm, hai anh em không biết thân thế của mình, lại coi Đậu Phương là thúc phụ đáng kính trọng nhất.

 

4, Chăm sóc Chu Trung Khiêm – đức con còn sót lại của Chu Công Toại, sau khi Chu Trung Khiêm lớn lên thì đưa vào nhà in Tư Hiền làm nhị đương gia.

 

5, Hai năm năm sau phát hiện chữ viết của Trần Tử Thương, xác định Trần Văn Định là chủ mưu vụ án năm xưa thì cho Mã Hồng vào kinh đi thi, bày ra vụ án Trần Tử Thương trộm văn, dẫn dắt thành Trần phụ hối lộ giám khảo, thậm chí truy xét được Trần Văn Định (đã chết) tham ô nhận hối lộ, Trần gia toàn bộ nhà tan cửa nát, một trong hai đứa con trai của thủy phỉ giết người năm xưa cũng bị lôi đi chém.

 

6, Đời sau kẻ thù hại Chu Công Toại chỉ còn một mình Mã Liêm, Đậu Phương niệm tình Mã Liêm không biết thân thế, không rõ chân tướng nên mềm lòng tha mạng, sửa hộ tịch sang quận khác, để lại nhà in Tư Hiền cho Chu Trung Khiêm – con trai của Chu Công Toại rồi uống thuốc độc tự vẫn. Mong muốn báo thù của ông dừng ở đây, lấy cái chết của mình đánh một dấu chấm tròn trong toàn bộ bi kịch.

 

Việc làm của Mã Liêm sau khi bản án của Trần Tử Thương bị lật lại:

 

1, Mã Liêm không tin anh trai mình vu oan cho Trần Tử Thương, hơn nữa Mã Hồng đến chết vẫn khăng khăng Trần Tử Thương trộm văn. Hơn nữa sau vụ án Đậu Phương tự sát, Liễu Viễn từ quan, phái Thanh Lưu thương gân động cốt, uy danh Vân Đường càng cao, thế lực triều đình dần dần phát triển thành cục diện mới, khiến Mã Liêm cho rằng Mã Hồng là vật hi sinh của tranh chấp đảng phái. Mã Liêm muốn báo thù thay anh trai, nhắm vào phái của Thái phó Vân Đường và Thái sư Vương Cần.

 

2, Mã Liêm đến kinh thành đầu nhập cho nhà in Tư Hiền của thúc phụ (nhưng không biết thúc phụ lại chính là Đậu Phương), kết cục lại gặp phải Nhị đương gia (Chính là Chu Trung Khiêm nhưng Mã Liêm không biết).

 

3, Mã Liêm bắt đầu không từ thủ đoạn để nổi danh, rồi nghĩ cách móc nối với Vương Tuyên, gây ra vụ án Ống Bút Quỷ ở nhà Liễu Viễn. Nếu như Mã Liêm thuận lợi, Vương Tuyên vướng vào vụ án giết người diệt khẩu, Vương Nghiên là Hình bộ thị lang vì tình riêng mà bao che cho Vương Tuyên, thì Vương gia sẽ ngã ngựa. Phái Vân Đường mua đề thi, nhận hối lộ làm rối kỷ cương, nếu triều đình điều tra sâu có thể khiến văn phái này thương gân động cốt.

 

Đáng tiếc Mã Liêm chưa thành công đã thành nạn nhân, mà triều đình để cân đối thế lực đảng phái nên cũng không truy cứu sâu vụ Ống Bút Quỷ, vụ án ban đầu từ nhỏ thanh to, sau đó lại từ to hóa nhỏ, tất cả tựa như chưa từng xảy ra.

 

Về vụ án Mã Liêm bị giết:

 

1, Vì sao Lữ Trọng Hòa muốn giết Mã Liêm?

 

Lữ Trọng Hòa chính là Chu Trung Khiêm, là con út của Chu Công Toại, người sống sót duy nhất sau vụ thủy phỉ giết người cướp của, Mã Liêm lại là con trai của thủy phỉ, đương nhiên là kẻ thù không đội trời chung của Chu Trung Khiêm.

 

2, Vì sao lúc nói câu “Mã Liêm không có đầu nhập vào phe của Vân thái phó và Vương thái sư, hắn không biết chân tướng” thì thần sắc lại bi ai?

 

Trương Bình cho rằng Chu Trung Khiêm giết Mã Liêm là vì nghĩ Mã Liêm là người không từ thủ đoạn, nhờ vụ Ống Bút Quỷ mà móc nối với Vương Tuyên, tặng hậu lễ cho Lưu Bỉnh, hối lộ phe Vân Đường, mua đề thi làm rối kỷ cương phép nước.

 

Trương Bình nghĩ nếu như Chu Trung Khiêm biết rằng Mã Liêm thật ra là người tốt, nói không chừng cũng sẽ tha cho Mã Liêm, dù sao ân oán của là đời trước, đời này vô tội mà.

 

3, Lữ Trọng Hòa muốn phân thân thành hai người?

 

Lữ Trọng Hòa muốn giết Mã Liêm, nhưng không muốn dùng thân phận Chu Trung Khiêm giết hắn, sự bại lộ chuyện Đậu Phương bày ván cờ hãm hại Trần Tử Thương năm xưa, cho nên mới bịa ra thân phận Lữ Trọng Hòa, giết người còn cố ý để lại rất nhiều manh mối để quan phủ đến bắt và kết thúc mọi chuyện ở đây.

 

Ở trong mắt người ngoài, Lữ Trọng Hòa là thư sinh nghèo rớt mùng tơi lại hói đầu lại tham ăn, vì bị Mã Liêm chế nhạo trong kịch mà mất đi hôn ước.

 

Ở trong mắt Mã Liêm, Lữ Trọng Hòa là người thúc phụ giao phó chiếu cố hắn, trở thành Nhị chưởng quỹ của nhà in Tư Hiền nơi hậu thuẫn đáng tin cậy nhất của hắn, Nhị chưởng quỹ khả năng đã thuyết phục Mã Liêm ở cạnh nhau bằng thân phận giả để tiện che mắt người khác, đóng vai ban ngày là kẻ thù ban đêm thì ở chung cùng nghiên cứu đối sách mà qua mặt Mã Liêm.

 

4, Vì sao Chu Trung Khiêm không giết Mã Liêm luôn mà phải đợi nhiều năm như vậy?

 

Thứ nhất để bịa ra một cái thân phận cần một khoảng thời gian, hơn nữa lại muốn người đời không liên hệ tới vụ án của Trần Tử Thương nên phải cách một khoảng thời gian nhất định mới có thể ra tay được.

 

Kết: Trương Công Án là áng văn điều tra phá án theo phong cách huyền nghi chứ không đơn thuần suy lý, bởi vì đầu mối mà tác giả vạch trần không đủ để độc giả tham gia vào trong đó, đôi khi Đại Phong chỉ đưa ra một chút tình tiết đủ để độc giả phát hiện có chỗ khả nghi mà đi theo, dẫn đến đôi khi vụ án được phá rồi cũng không nhất định toàn bộ chân tướng đã được công bố, trong đó phần Ống Bút Quỷ này có thể xem là vừa vặn nhất, độ dài vừa đủ, nội dung phong phú, dừng vừa đúng lúc, để độc giả khoảng trống tự hỏi và suy luận, ấy cũng là một cách đọc sách rất có ý vị nha.

(Còn nữa)

Tàng Thư Quán


Vui lòng click vào dấu mũi tên để lùi hoặc sang chương kế tiếp