TRƯƠNG CÔNG ÁN

Chương 50

trước
tiếp

Nửa đêm Trần Trù dắt ngựa rời khỏi tiểu trạch, đợi nơi cổng thành, đến giờ Mão[1] cổng thành vừa mở đã lập tức thúc ngựa chạy ra.

Gã giúp Trương Bình biên soạn huyện chí một thời gian dài, huyện giới và tình hình chung quanh gần như đã thuộc nằm lòng, lựa một lối mòn men theo đường cái phóng ngựa đi về trước. Đi không bao lâu tuyết đã lại rơi.

Lội tuyết đi được một đoạn thì tới địa giới của xã Cao Đài Tử, vừa kịp lúc mở chợ tập trung buổi sáng của xã. Cứ là chốn làng xã, đa phần đều có kiểu chợ thế này, thường là ở ranh giới của vài thôn trong cùng một xã, không bì được với các cửa tiệm mọc lên san sát đan xen chồng chéo trong chốn thành thị. Đa phần là một đoạn đường ngắn gần kề các trường tư, quan đạo, miếu thờ gần đường cái, có quán trọ sạp nước tiệm cơm, bên ngoài là mặt tiền thấp bé mở hàng ngày, bán các loại nhu yếu phẩm như dầu, muối, nước mắm, nước tương…

Sáng sớm tinh mơ, trẻ em phụ nữ già yếu của những gia đình nông dân ở thôn cận bên không phải làm việc đồng án đem mấy thứ tự làm như rau quả hái được, đậu nành dưa muối, rượu gạo cá thịt ra chợ hoặc là buôn bán hoặc là trao đổi. Đa số đều xách theo một cái giỏ, cầm theo một cái túi bày ra bên đường, đến trưa thì tự động giải tán hết cả, nên gọi là chợ tập trung. Sau mùa thu hoạch hoặc đến lễ tết, còn có chợ lớn, na ná như chợ làng trong thành thị. Đến các thương hộ trong thành phố, các tiểu thương bôn ba đây đó cũng đến góp mặt, còn có gánh hát đến biểu diễn mua vui. Các xã trong huyện có ngày họp chợ lớn khác nhau, lúc có phiên chợ còn náo nhiệt hơn cả trong thành.

Xã Cao Đài Tử gần huyện thành, tương đối giàu có đông đúc nhưng bởi vì tuyết rơi nên người đến chợ tập trung rất thưa thớt. Cái nồi lớn trong một sạp cơm bên đường đang nấu canh hồ lạt. Trần Trù uống một bát, ăn thêm hai cái bánh to vừa mới ra lò. Bề mặt bánh được phủ một lớp mỡ hành, rắc thêm hạt vừng lên, vàng óng giòn tan, liền nhỏ thêm vài giọt canh hồ lạt chua chua lên. Ngon không thể tả, sau khi trôi xuống bụng, trán lấm tấm mồ hôi.

Có một ông lão ngồi kế bên, mang theo một giỏ dưa muối, cũng đang húp canh ăn bánh, hỏi Trần Trù:  “Lội cả tuyết to như thế, công tử muốn đi đâu?”

Trần Trù thuận miệng đáp tên một con đường gần huyện: “Tuyền Dương.”

Ông lão nói: “Tuyền Dương cách đây còn gần trăm dặm, đi dưới trời tuyết lớn thế này, đến trưa mai cũng chưa đến nữa là. Đi về Nam qua xã Thuỷ Ao, có mười mấy dặm toàn đồng không mông quạnh. Nếu như đến đó lúc trời sắp tối thì không hay đâu.”

Chủ quán cũng nói: “Hôm nay khách quan đến chỗ Thuỷ Ao thì tìm nhà trọ nghỉ ngơi đi. Ngài đi một mình, nếu như không có việc gấp thì đợi tuyết ngừng rơi đã rồi hẵng lên đường thì tốt hơn.”

Ông lão lắc đầu nói: “Năm nay cửu long trị thuỷ, mưa lớn, đến ngày mai chưa chắc tuyết sẽ ngừng rơi đâu.”

Trần Trù nói: “Cảm tạ ông lão và chủ quán, dù sao cũng chỉ đến Tuyền Dương, đi từ từ cũng được.” Sau khi ăn no uống đủ, cả người hăng hái, trả tiền cơm xong, móc từ trong tay nải ra cái áo nỉ trùm vào rồi tiếp tục đội tuyết đi về trước.

Tuyết càng rơi càng lớn, Trần Trù sợ móng ngựa trơn trượt nên không dám đi quá nhanh. Sắc trời ảm đạm, khó phân giờ giấc, mấy cái bánh canh hồ lạt trong bụng từ từ tiêu hoá hết, người càng lúc càng lạnh, lúc bụng kêu dữ dội như tiếng sấm rốt cuộc cũng nhìn thấy nhà dân từ phía xa. Trần Trù xuống ngựa, mặt dày gõ cửa xin chút trà nóng uống. Con trai con dâu nhà này đều làm việc trong Huyện Nghi Bình, trong nhà chỉ còn đôi vợ chồng già, tấm lòng lương thiện, trong nồi còn dư chút canh, nửa cái bánh bao không, hâm nóng lại cho Trần Trù ăn. Bà lão giúp Trần Trù làm sạch lớp tuyết phủ trên áo nỉ, đem đến bếp lò hong khô.

Trần Trù móc tiền ra đáp tạ, hai người sống chết không chịu nhận.

Trần Trù sưởi ấm một lúc, được ăn đồ nóng sốt hồi phục lại tinh thần. Gã hỏi nơi này là đâu. Ông lão đáp, là địa giới thôn Tiểu Ngưu xã Thuỷ Ao. Nhà ông vốn mở một sạp trà, cho nên dựng nhà bên đường. Muốn đến thôn phải rẽ vào ngã ba phía trước kia mà đi, đi khoảng chừng hai ba dặm.

Trần Trù nhìn đồng hồ cát trong nhà, rõ ràng mới đến giờ Thân, rồi lại hỏi đi về trước trước khoảng chừng mười dặm nữa, chỗ giáp ranh giữa xã Thuỷ Ao và xã Đậu Đường có một nhà trọ, bèn cảm ơn hai ông bà, xin một túi đầy ắp nước nóng, âm thầm để chút tiền lên ghế đẩu rồi lại lên đường.

Tuyết rơi càng lúc càng lớn, rơi loạn trên mặt, chẳng nhìn rõ đường đi được nữa. Con ngựa Trần Trù dắt đi là con ngựa mới lớn, luôn được nuôi trong chuồng, chưa từng trải qua gian khổ. Khúc sau biến thành Trần Trù cào tuyết dắt nó đi. Hành lý trên lưng rất nhẹ nhưng bốn vó ngựa vẫn khẽ run rẩy, nhiều lần rục rịch không đi tiếp.

Tuyết tích trên đường ngày càng dày, túi nước giắt bên hông không còn nóng nữa. Trần Trù mở nút gỗ uống ngụm nước còn âm ấm, quét mắt qua bốn phía nhưng chỉ thấy một màu trắng xoá mênh mông, chẳng thể nhìn ra đường đi được nữa. Trời chập choạng tối nhưng vẫn không trông thấy được chút bóng dáng khói lửa nào cả.

Trần Trù có chút nghi ngờ phải chăng bản thân đã đi sai đường, chỉ đành đi rồi lại đi, tuyết rơi vào giày, tan ra, lạnh cóng làm hai chân đau nhức, từ từ tê đi. Không biết đã ngước nhìn xung quanh đến lần thứ mấy thì phía trước bỗng xuất hiện một cái chấm nhỏ đang di chuyển.

Trần Trù dụi dụi mắt, quả thực không phải là hoa mắt. Nhìn tốc độ di chuyển có lẽ là con người.

Cái bóng đó từ từ lại gần, quả đúng là con người, ngoài khoác áo nỉ, đầu đội mũ, lưng cõng một trăm cân củi. Trần Trù vội dắt ngựa nhanh đi đến rào đón, hỏi thăm một tiếng.

“Dám hỏi nơi đây là đâu, phía trước có quán trọ không ạ?”

Người kia nhấc mũ lên, là một người đàn ông trung niên, để râu quai nón, có đôi mắt báo, cười oang oang nói: “Nơi này là lâm giới xã Thuỷ Ao, mười mấy dặm phía trước đều là đồng hoang thì lấy đâu ra nhà dân?”

Trong lòng Trần Trù đánh lộp cộp mấy tiếng: “Nhưng sao đi nguyên đoạn đường chẳng thấy bóng nhà dân nào vậy? Nghe nói chỗ giáp nhau của xã Thuỷ Ao và xã Đậu Đường có nhà trọ có thể tá túc mà, còn cách chỗ này bao xa?”

Người kia đáp: “Công tử đi sai đường rồi. Phải men theo đường cái mới đến được, còn đường ngày là đường lớn do mấy người dân tốt bụng của xã Thuỷ Ao sửa lại, vốn để cho tiện tế tổ ấy mà, đi tiếp về trước chỉ toàn là đồng hoang nghĩa địa thôi. Có lẽ là do tuyết lớn, công tử không nhìn rõ đường nên đi nhầm phải con đường này đấy.”

Nhưng rõ ràng chỉ men theo một con đường mà đi, đâu có gặp ngã rẽ nào đâu…

Trần Trù không nghĩ thông được nữa, lại hỏi: “Vậy làm sao mới có thể trở lại được?”

Người kia nói: “Đi ngược lại à, cũng mất gần mười dặm đấy.”

Vậy chẳng phải đều như nhau sao? Trong lòng Trần Trù phát hoảng, lại hỏi: “Vậy đi qua mười mấy dặm đồng hoang, phía trước có nhà dân nào có thể tá túc không?”

Người kia cười nói: “Đi qua đoạn đường này là thôn Giới Đôn xã Trại Cương, đi tiếp ra đường cái, gần đấy có nhà dân. Chỉ là trời sắp tối rồi, đêm tuyết khó đi lắm, không biết lúc nào công tử mới có thể đến được. Nếu như muốn tìm chỗ trú, hà tất gì phải đi xa như thế?”

Trần Trù vui mừng: “Mong huynh đài chỉ giáo!”

Người kia chỉ về chỗ xa xa: “Phía trước không phải có thể ở sao?”

Trần Trù nhìn theo ngón tay ông chỉ, giữa một mảnh trắng xám hoang dại quả thực có một thứ hình dáng như căn nhà nhô lên. Gã không khỏi vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, vội vàng cảm ơn người đàn ông kia, rồi đi về phía căn nhà đó.”

Đi được mấy bước, gã đột nhiên cảm thấy có gì đó kỳ kỳ, người vừa nãy xuất hiện có vẻ rất cổ quái.

Dưới trời tuyết to, lại vào ngay cái giờ trời đánh thánh đâm này, cõng một bó củi, lại đứng ở cái nơi trước không có thôn sau không có tiệm này…

Ông ta từ đâu tới? Rồi đi về đâu?

Ôi, có lẽ là do ở cạnh Trương Bình lâu quá rồi, nên nhiễm phải cái tật gặp gì cũng suy đoán nấy.

Trần Trù quay đầu lại nhìn, nheo mắt giữa đám tuyết tán loạn, con đường trống hoác không một bóng người.

Tiều phu lúc nãy, không thấy đâu nữa rồi!

Trần Trù rùng mình mấy cái.

Người đi trong tuyết lớn, có thể đi bao xa nhỉ?

Bốn bề cũng chẳng có chỗ nào để trốn…

Người tiều phu đó cứ giống như là…biến mất giữa không trung vậy.

Ngọc hoàng đại đế, nguyên thuỷ thiên tôn, A di đà phật, không nên tự mình doạ mình, không nên tự mình doạ mình…

Trần Trù rụt cổ lại, lại cẩn thận xem xét căn nhà.

Vẫn còn đó.

Nói không chừng, mắt khó nhìn rõ trong tuyết, nói không chừng, hướng tiều phu chỉ chính là nhà của ông.

Cố gắng đi tiếp mười mấy dặm, chỉ sợ khó khăn, không thể nửa đêm nửa hôm bị chết cóng trong tuyết được.

Trần Trù cắn răng, tiếp tục dắt ngựa đi, một chân nông một chân sâu bước về phía căn nhà đó.

Đến khi lại gần căn nhà, tay Trần Trù lơi ra, thả dây cương, ngựa khẽ hí một tiếng, răng Trần Trù đánh cầm cập.

Cửa tò vò mở ra, song rách ngói vỡ, mạng nhện giăng đầy khắp nơi.

Chính là một ngôi miếu hoang!

Trần Trù lẩm nhẩm đọc nhiều lần trong bụng, không được tự mình doạ mình, không được tự mình doạ mình… A di đà Phật, Vô lượng Thiên tôn…xin chớ hoài nghi tấm lòng người lương thiện. Miếu rách có thể tránh gió tuyết, so với chết cóng ngoài đường vẫn tốt hơn. Đã đến đây thì cứ ở đây, trời đã sắp tối, muốn đi đâu cũng chẳng được nữa rồi…

Đọc tới đọc lui vài lần mới vững dạ nắm lấy dây cương, dắt con ngựa con đi đến dưới hành lang, buộc ngựa vào cây cột, hít mạnh một hơi, nhấc chân lên bước qua ngưỡng cửa.

Không ngửi thấy mùi lạ, không nhìn thấy thứ gì kỳ lạ.

Trên đài cao ở chính giữa điện có đặt một tượng thần, có lẽ là giống kiểu thổ địa, trước đài là đệm cói rách bươm. Trần Trù hướng về phía tượng thần khấn nguyện một lượt…

Tiểu sinh Trần Trù, đồ kính bảo địa, vừa hay gặp gió tuyết, bất đắc dĩ phải tá túc miếu thờ một đêm, cảm tạ tôn thần phù hộ, không có nhang khói dâng cúng, chỉ có tấm lòng cung kính này.

Khấn xong, nhìn bốn phía một vòng, phát hiện chỗ này có thể là nơi mà các tiều phu thợ săn hay dừng chân nghỉ ngơi. Trên mặt đất có đống tro lửa, lại có không ít cành cây khúc gỗ, thậm chí còn có mấy thứ như nồi nhỏ, lông gà vịt nằm dưới đất. mấy đệm cói cũng chẳng phủ nhiều bụi, giống như thường có người ngồi. Ngay sát góc phòng chỗ tránh gió còn có một tấm đệm cỏ được tạo thành bằng cách lấy ván gỗ lót cỏ khô lên.

Trần Trù thở ra một hơi, đã vui mừng trở lại. Gã lấy vài thanh củi còn lại đốt một đống lửa, lấy cái bánh đã đông cứng trong tay nải ra hơ hơ trên lửa. uống một ít nước do tuyết tan ra trong nồi, còn lại một ít thì cho ngựa uống. Gã cột con ngựa vào  cây cột bên trong điện, lấy một ít cỏ khô, cũng chẳng biết nó có ăn hay không. Giả vờ một bụng no nê nằm trên đệm cỏ, lấy một ít cỏ đắp lên người, lại đắp lên lên cái áo nỉ, cư nhiên lại có cảm giác mỹ mãn đến cả ở trong hoàng cung cũng chẳng sánh bằng. Trần Trù nhắm mắt đi vào giấc ngủ.

Trong cơn mơ, một chút lạnh lẽo cũng có, ngược lại còn có chút nóng. Gã quay người, nhưng cảm thấy ngực nặng trịch, rồi không xoay người nữa. Nhấc tay rờ rờ, chạm phải lông lá xù xì.

Trần Trù mơ mơ màng màng mở mắt, hai ngọn đèn xanh biếc nhờ nhờ toả sáng nơi chóp mũi.

Trần Trù và nó nhìn nhau hồi lâu, ánh sáng xanh khẽ lấp loé, thứ nằng nặng trên ngực cục cựa một chút.

Trần Trù đột nhiên giật mình, đầu óc tỉnh táo lại.

Có một thứ xù xì đè trên ngực của gã!

Cả người Trần Trù tê cứng, gã há miệng ra nhưng lại không phát được tiếng nào. Cái thứ kia đứng dậy, lắc lắc lông, trong bóng đêm, chỉ có thể nhìn thấy hai cái tai nhọn hoắt của nó, đôi mắt xanh trong lại lấp lánh. Trần Trù cảm thấy có một luồng hơi nóng hổi phả vào mặt mình, lại tiếp tục cảm thấy mũi miệng như có thứ mềm mềm gì đó lướt qua, có lẽ là lưỡi của thứ đó…

Hai mắt Trần Trù hướng lên trên, lần nữa chìm vào đêm tối.

Rất lâu rất lâu sau đó, tứ chi của Trần Trù đột nhiên co rút lại, gã mở bừng hai mắt ra rồi trở mình bật dậy.

Xung quanh đã sáng.

Tay nải đặt ngay ngắn cạnh đệm cỏ. Đống lửa đã tắt, đệm cối, cái nồi, tượng thần…con ngựa nhỏ đang quẫy đuôi nhai cỏ, tất cả chẳng có gì khác thường cả.

Trần Trù ngơ ngác hồi lâu mới thở ra một hơi dài.

Gã lật người đứng dậy, đột nhiên khựng lại.

Thứ trên người gã đang mặc không phải là cái áo nỉ rách kia, mà là một cái áo lông cừu màu vàng sẫm!


Vui lòng click vào dấu mũi tên để lùi hoặc sang chương kế tiếp