TRƯƠNG CÔNG ÁN

Chương 30

trước
tiếp

Ngày hôm sau, trời còn chưa sáng Trương Bình và Trần Trù cùng một Tiểu lại đã ra khỏi huyện thành Nghi Bình.

Trương Bình không dùng kiệu, Thiệu Tri huyện bèn cấp cho hắn một con ngựa và hai con lừa để đi, vì muốn dùng ngựa và lừa để phân rõ ai chủ ai tớ. Nhưng Trương Bình trước nay chưa từng cưỡi ngựa, chỉ cưỡi qua lừa, bò mà thôi, Trần Trù ngược lại lại biết cưỡi ngựa. Thế là biến thành Trần Trù cưỡi ngựa, còn Trương Bình và Tiểu lại chia nhau cưỡi hai con lừa, cứ thế tiến về phía thôn xóm mà đi.

Huyện Nghi Bình so với quê nhà của Trương Bình vẫn được xem là giàu có đông đúc. Trên những cánh đồng đã sớm nhú những mầm non xanh mơn mởn, trong các thôn xóm xa xa san sát những căn nhà gạch nối liền nhau. Càng gần tới ranh giới thôn quỷ, ruộng vườn càng dần ít đi. Tiểu lại dẫn đường cho Trương Bình dẫn cả bọn đến một lối rẽ, bảo đi đường này sẽ ngắn hơn đường cái nhiều.

Cây lá hai bên đường đã rụng gần hết, vài con quạ đậu trên cành cây kêu loạn xạ. Dây mây khô đét bò tràn lan, cỏ thu ngả trong sắc vàng ảm đạm.

Tiểu lại nói: “Con đường này gần thì đúng là gần thật, nhưng nếu như hôm nay không có đại nhân và Trần huynh hai người đi cùng, tiểu nhân thực sự không dám đi một mình đâu.”

Trương Bình ngó quanh quất, bốn bề xung quanh không thấy tí hơi người nào, toàn bộ đều là đồng không mông quạnh, đến cả cơn gió lùa chừng như cũng lạnh lẽo hơn khi còn ở trên đường cái. Phóng tầm mắt nhìn ra nơi xa xa, hình như có một bãi tha ma, những gò đất cao thấp nhấp nhô trải thành vệt dài, tất thảy đều chìm trong làn sương khói lượn lờ xung quanh.

Trần Trù nói: “Quái lạ thật, tiết cô hồn đã qua lâu rồi mà sao vẫn còn người đến viếng mộ thế này?”

Tiểu lại đáp: “Hay là ngày giỗ chăng?”

Trương Bình ngừng lừa quay về phía chỗ gò đất cao kia nhìn một lát. Quyển huyện chí bản trước có ghi, mấy năm trước vùng này có xảy ra một trận dịch bệnh đã khiến rất nhiều người mất mạng. Thôn ma kia vốn có tên là Cô Gia Trang, đại dịch cũng chính từ thôn đó mà ra, cả thôn mất mạng bởi trận dịch ấy.

Triều đình phái một đoàn người đến thu gom hết những thi thể nhiễm dịch bệnh kia lại, sau đó thiêu huỷ rồi chôn thật sâu. Cô Gia Trang trở thành mảnh đất mai táng, từ đó về sau bị bỏ hoang phế.

Vùng đất hoang hiện giờ vấn vít khói nhang, nói không chừng chính là người ở những thôn gần bên có người thân nhiễm bệnh chết trong trận dịch ấy đã xây nên những ngôi mộ rỗng, để tưởng niệm người xưa mà thôi.

Trần Trù giúp Trương Bình xem xét xung quanh, cũng ngó qua chỗ đó, nhìn thấy mấy ngôi mộ và khói nhang nhất thời cảm thấy gió thổi càng lúc càng lạnh, bèn ghì sát cổ áo lên chút nữa, thúc giục Trương Bình mau đi thôi.

Khoảng gần giữa trưa, Tiểu lại chỉ phía trước nói: “Trước mặt chính là ranh giới Cô Gia Trang.”

Trương Bình nhìn theo hướng chỉ, một bên là đồng cỏ rậm rạp, một bên là đất khô hoang vắng. Con lừa hắn cưỡi nhất quyết không chịu đi về phía đồng cỏ, cứ đứng trên đường ngần ngừ không đi. Trương Bình xuống lừa, dắt nó đi vào trong bụi cỏ, không biết là con chim gì mà cứ ở trong lùm kêu quang quác, rồi phạch một cái giang cánh bay đi mất, doạ cho ngựa của Trần Trù giật mình hí một tiếng, suýt chút nữa hất gã xuống đất.

Trần Trù vừa bò vừa lăn, tuột xuống khỏi ngựa, giả vờ bình tĩnh ngó nghiêng bốn phía: “Chỗ này đúng là mảnh đất tốt, tiếc là đâu đâu cũng mọc cỏ.”

Tiểu lại nói: “Ai nói không phải đất tốt chứ? Năm xưa nơi này đều là cánh đồng đấy. Mười dặm đã có tám thôn, Cô Gia Trang cũng xem như giàu nhất rồi, nhưng ai mà ngờ được…”

Tiểu lại họ Điền tên Năng, hơn bốn mươi tuổi, là người của huyện này. Bản đồ của huyện chí hiện tại chính là do gã vẽ lại, bị Trương Bình xem tới xem lui khiến gã không vui tẹo nào. Nãy giờ trên đường đi gã cũng chẳng nói gì nhiều.

Nhưng khi đến địa giới của Cô Gia Trang, Điền Năng không khỏi nhớ lại chuyện xưa. Lúc gã còn nhỏ, Cô Gia Trang chính là thôn làng phồn thịnh nhất trong địa giới Nghi Bình. Đến cả người trong huyện thành cũng đoan trang chín chắn, người ngoài không dễ dàng gì bước được vào thôn của họ. Điền Năng chỉ vào hai cục đá cháy đen thui giữa lùm cỏ nói với Trương Bình và Trần Trù, chỗ này vốn là đại môn của Cô Gia Trang, được khắc từ đá trắng, không những cao mà còn rất phô trương. Nhưng sau trận đại dịch, triều đình hạ lệnh đốt thôn, đến cửa thôn cũng bị kéo sập hư hỏng. Sau đó, địa giới của Cô Gia Trang phân đều chia cho hai thôn kế bên, nhưng người hai thôn đó đều không dám sử dụng đất của Cô Gia Trang, Thiệu Tri huyện còn ra lệnh ai khai khẩn đất ở đây sẽ được trọng thưởng, nhưng rồi cũng chẳng có ai.

Trương Bình cúi người nhìn đống đá còn sót lại trong cỏ, trên cục đá đen thui chừng như vẫn có thể nhìn thấy hoa văn.

Đi qua hai cục đá, gạch nát ngói vỡ nằm lẫn lộn trong cỏ ngày càng nhiều, Điền Năng không kiềm được than thở: “Nghĩ lại cũng đã là chuyện của mấy năm về trước, đường đường là một thôn, nói biến mất là biến mất ngay.”

Trương Bình bỏ miếng ngói vỡ trong tay xuống, đứng dậy: “Vẫn chưa điều tra ra nguyên nhân xảy ra dịch bệnh ư?”

Trong huyện chí bản trước chỉ ghi dịch bệnh và hậu quả của nó, hoàn toàn chẳng đề cập gì đến nguyên nhân bùng phát. Theo lý mà nói, triều đình phải phái người điều tra mới đúng.

Điền Năng cười nhạt nói: “Trương đại nhân, ông trời muốn ngài bệnh thì cứ thế mà lăn đùng ra bệnh thôi. Muốn điều tra thì biết điều tra thế nào chứ, tự cổ chí kim mấy năm nay cũng đâu phát bệnh gì nữa đâu.” Trong lòng gã vốn rất xem thường cái tên trẻ tuổi nhặt được chức Tiến sĩ này, nên tự nhiên trong lời nói cũng có chút vô lễ, rồi lại vội bổ sung, “Triều đình có phái người điều tra qua, vẫn là Lưu Tri phủ kia, nghe nói hiện giờ ông ta làm tới chức Ngự sử rồi, thật đúng là có tài nhỉ. Tự mình đốc thúc điều tra, vẫn không giải quyết được gì cả. Khi thì nói là do nước, lúc thì nói là do chuột. Việc Cô Gia Trang bùng phát ôn dịch sao lại có thể là do chuột được chứ?”

Trần Trù chen vô một câu: “Bệnh dịch hạch là ghê nhất, sao lại không thể là do chuột gây ra chứ?”

Điền Năng dường như muốn nói gì đó nhưng rồi lại thôi. Trương Bình tiếp tục đi về phía trước, trong vài bụi cỏ thấp có một bệ đá đen bóng. Trương Bình đi một vòng quanh bệ đá, nhìn hình dáng có lẽ là bệ thần dưới tượng thần phật trong từ miếu, bèn hỏi: “Chỗ này ngày xưa là một ngôi miếu à?”

Điền Năng nói: “Vâng, trong Cô Gia Trang có một ngôi miếu thổ địa.”

Trần Trù lại chen vào: “Người trong trang này cũng thật ngoan đạo, còn đem cả miếu thổ địa vào trong thôn.”

Trương Bình liếc thấy thần sắc của Điền Năng có vẻ phức tạp, trong lòng nhớ lại lúc lật giở hồ sơ xem có nhìn thấy một chi tiết, trong quyển tạp chí huyện chí ở lần biên trước nữa có thấy ghi chép, nhưng huyện chí bản sau đó lại bỏ đi, không ghi lại, có thể do cảm thấy nó giống như truyền kỳ quái dị không thực tế chăng.

Lại nhớ lúc nãy Điền Năng có nói Cô Gia Trang không thể nào bị nhiễm bệnh dịch hạch được thì trong lòng Trương Bình khẽ xáo động, bèn hỏi: “Ngôi miếu thổ địa này có phải là nơi hồ tiên và Cố sinh kết duyên như trong truyền thuyết không, Cô Gia Trang chính là hậu nhân của hồ tiên ư?”

Trần Trù trợn mắt há mồm: “Thật hay giả thế? Trương huynh không phải nói mình không tin vào mấy thứ yêu ma quỷ quái thần tiên gì đó sao?”

Thần sắc Điền Năng bừng sáng lên một chút, ho một tiếng đáp: “Đúng là có… tin đồn kiểu này.”

Trong huyện chí ở lần biên trước nữa có ghi rằng, có một thư sinh họ Cố, vào Kinh khảo thí, trên đường gặp mưa nên trú tạm vào trong miếu thổ địa. Đến ngày hôm sau phát hiện bình rượu hồ lô hay mang bên mình đã biến mất, mấy truyện truyền kỳ trong túi để đọc giải khuây cũng mất đi hai tập.

Cố sinh cho rằng là do thần thổ địa hiển linh, uống hết rượu của y, rồi lấy sách xem. Y vô cùng vui mừng, rồi lấy một ít lương khô trong tay nải ra để lên thần điện tặng cho thần thổ địa, cầu ngài ban phúc cho y được kim bảng đề danh.

Cố sinh tiếp tục đến Kinh Thành, trên đường đi thuận lợi vô cùng, hệt như được thần tiên phù hộ vậy. Nửa đêm có người đắp chăn cho y, trời mưa y cũng không hề bị ướt, đến Kinh Thành còn thuê được căn nhà giá rẻ vô cùng, nửa đêm xem sách rồi ngủ quên mất, lúc tỉnh dậy đã thấy mình nằm trên giường, trên đầu giường còn có con gà quay nữa.

Cố sinh hăng hái khổ học, y tài hoa hơn người, nên hiển nhiên phải đề danh trên bảng vàng. Nhưng khi ấy gian thần lộng hành, trong bài thi của mình Cố sinh lại chỉ ra những thiếu sót đương thời nên bị đánh rớt.

Sau khi rớt bảng, Cố sinh vô cùng bi phẫn. Y vốn cho rằng bản thân có thần phật hỗ trợ nên nhất định sẽ thành công, thật không ngờ vẫn cứ trắng tay. Y uống say bí tỉ trong quán rượu, nhưng lờ mờ nhận ra bản thân đang ở trong một cái ổ ấm cúng, trong lòng còn đang ôm một tuyệt sắc giai nhân.

Sau đêm xuân tuyệt vời, đến sáng ngày hôm sau, Cố sinh phát hiện cái ổ kia vẫn còn, chỉ là tuyệt sắc mỹ nhân thì đâu mất rồi. Một người thanh niên sắc mặt hồng hào đứng trong phòng, tạ lỗi với y.

Người thanh niên nói, y là hồ ly, lúc Cố sinh trú mưa cũng là lúc y dẫn theo một đám hồ ly đến miếu thổ địa tu luyện. Đám nhóc nhà y đã lén uống rượu của Cố sinh, còn trộm luôn tiểu thuyết truyền kỳ của Cố sinh nữa. Nhưng Cố sinh không những không trách tội, mà còn đem lương khô ra cho. Việc này làm hồ ly cảm thấy y là một người có thể kết giao được, nên suốt đường đi luôn chăm sóc cho y.

Cố sinh cảm thấy, triều đình hủ bại, lòng người giả dối, con người còn không bằng súc sinh. Nếu làm một kẻ đọc sách bất đắc chí thì chẳng bằng kết bạn với hồ ly.

Thế là y rũ bỏ công danh, đến ở trong động hồ ly.

Nhiều năm về sau, có người từng đến ngôi miếu thổ địa mà Cố sinh từng trú mưa, phát hiện gần đấy có một thôn trang đẹp đẽ vô cùng, có nhà to tầng cao, còn có cây xanh ruộng rộng. Người kia đến hỏi thăm, tiểu đồng chăn gà đáp, chủ gia đình họ Cố.

Trần Trù nghe Trương Bình kể xong, chợt hỏi: “Rốt cuộc vị Cố sinh kia là lấy một hồ ly cái sinh ra đám hồ ly con hay là ngoài việc này ra, chỉ ở chung với hồ ly? Cố và Cô đồng âm, đoạn chuyện cũ này có phải là chỉ Cô Gia Trang không?”

Trương Bình đáp: “Trong ghi chép không có nói.”

Điền Năng không phủ nhận: “Mấy chuyện quỷ thần yêu quái này tiểu nhân không dám nói bậy. Lúc biên soạn huyện chí của đợt trước nữa, tiểu nhân đã là người hầu trong huyện nha rồi. Lúc đó Cô Gia Trang vừa chết sạch bởi dịch bệnh, Lưu Tri phủ nhìn thấy đoạn này bèn bỏ ra khỏi huyện chí, chỉ nói là nó quá quái dị, không đáng tin mà thôi.”

Một thôn vừa mới bị tuyệt diệt, lại thêm mấy truyền thuyết quái gở này, có chút không thích hợp lắm.

Điền Năng nhìn bệ đá kia, lắc lắc đầu: “Nếu đúng là hậu nhân của hồ tiên, sao lại không chống nổi ôn dịch này?”

Trương Bình nói: “Vốn trên đời này không có quỷ thần, và cũng không có yêu quái.”

Trần Trù nói: “Chưa chắc đâu, chỉ là…” Ánh mắt gã liếc nhìn chỗ nào đó trên bệ đá rồi đột nhiên run rẩy.

Trương Bình nhướn mí mắt nhìn gã, chỉ trông thấy ánh mắt của Trần Trù ngừng lại ở chỗ nào đó trên bệ đá rất lâu, rồi cúi xuống sờ sờ, rồi lại có chút hoảng sợ mà đứng phắt người dậy, cười cười nhìn Trương Bình.

Trương Bình không nói gì, đợi lúc Trần Trù quay mình đi hắn liền nhìn thật kỹ chỗ Trần Trù vừa rờ lúc nãy.

Ở chỗ đó có khắc một chạc cây, trong bốn phiến lá có treo ba quả hạnh.

 

Lúc trở về huyện nha thì trời cũng đã tối. Trương Bình ăn xong cơm tối thì đi ngủ sớm. Ngày hôm sau hắn chẳng thấy bóng dáng của Trần Trù đâu. Đến bữa cơm tối Trần Trù mới xuất hiện trong nhà ăn, trên mắt có hai vòng tròn đen thui.

Hai vòng đen trên mặt Trần Trù ngày càng đậm, thần sắc ngày càng hoảng hốt, đến chân giò nướng đỏ tươi trên bàn ăn cũng không làm gã phấn chấn tinh thần lên được.

Khoảng ba bốn ngày trôi qua, Trương Bình thức khuya xem lại bản vẽ. Bên tai đột nhiên vang lên tiếng cào cửa, hắn mở cửa ra, Trần Trù ló đầu vào, nắm chặt lấy ống tay áo hắn.

“Trương huynh, tôi thật sắp điên rồi. Cho dù huynh có nghĩ là tôi điên đi chăng nữa, tôi cũng phải nói với huynh chuyện này!”

Trương Bình kéo ghế lại cho gã, bưng một tách trà đến. Trần Trù đón lấy tách trà, mắt nhìn chăm chăm nói: “Trương huynh, tôi nói tôi đã từng tình cờ đến một nơi, có một đoạn truyền kỳ, huynh còn nhớ phải không…”

Trương Bình gật đầu, tất nhiên là hắn còn nhớ rồi. Chỉ sợ là mấy sĩ tử ở Kinh Thành của kỳ thi năm nay không mấy người còn nhớ.

Trần Trù há há miệng rồi đóng lại, mở ra rồi vẫn ngậm lại. Sau mấy lần như thế gã móc từ trong lòng ra một vật: “Huynh xem đi.”

Trương Bình đón lấy, có chút bất ngờ.

Là một chiếc khăn sa, ở góc có thêu hình chạc cây, trong bốn phiến lá có treo ba quả hạnh.


Vui lòng click vào dấu mũi tên để lùi hoặc sang chương kế tiếp