THIÊN QUAN TỨ PHÚC

Quyển 3 - Chương 104: Bạch Thoại Tiên Nhân khóc tang trong tiệc mừng (2)

trước
tiếp

Cũng vào rất nhiều năm về trước, Tạ Liên từng gặp một con Bạch Thoại Tiên Nhân.

Lần đó, Tạ Liên vừa tự dựa vào sức mình xây một gian nhà tranh. Ngay lúc y đứng bên dưới tán thưởng gian nhà mới, đột nhiên trong góc có một giọng nói khẽ cất lên: “Nhà của ngươi, hai tháng sau sẽ sụp.”

Sư Thanh Huyền hỏi: “Vậy huynh làm thế nào?”

Tạ Liên đáp: “Không làm gì hết. Ta nói: “Hai tháng sau? Trong vòng bảy ngày mà nó còn trụ được mới là lạ”.”

“…”

Hoa Thành nở nụ cười, ngay sau đó, nụ cười ấy nhạt phai.

Con Bạch Thoại Tiên Nhân kia núp trong góc tối chờ hút nỗi sợ hãi, phiền não và bất an của Tạ Liên. Tuy nhiên, nó đầy lòng chờ mong hút không khí cả buổi trời, đến khi Tạ Liên tắm rửa ngủ nghỉ trong nhà mới cũng chẳng hút được gì.

Mặc dù không thấy được chân thân của nó, Tạ Liên cũng cảm giác được ắt hẳn nó giận lắm.

Chưa qua mấy hôm, một tia sét xanh giáng xuống giữa trời đêm, cả gian nhà cháy rụi.

Con Bạch Thoại Tiên Nhân hết sức vui mừng, chắc vì nó cảm thấy cháy rụi với đổ sụp cũng không khác gì nhau, xem như lời nguyền rủa của nó đã ứng nghiệm, bây giờ Tạ Liên hẳn nên sợ hãi rồi. Nhưng không hề. Nó vẫn không hút được bất cứ thứ gì để no bụng. Dĩ nhiên nó không cam tâm, thế nên nó tiếp tục bám theo Tạ Liên, chờ việc mừng tiếp theo đến.

Ngờ đâu chờ một phát hơn nửa năm, trong hơn nửa năm đó, Tạ Liên thế mà chẳng có việc mừng nào!

Nếu là người bình thường, sớm đã bỏ cuộc rồi. Nhưng Bạch Thoại Tiên Nhân có một đặc điểm là thích đối nghịch đến cùng, nhắm trúng người nào thì sẽ liều chết bám riết, thế nên nó cũng khổ sở nhịn đói hơn nửa năm. Cuối cùng, rốt cuộc cơ hội đã đến.

Hôm đó Tạ Liên lượm đồng nát kiếm được một khoản lớn, xem như may mắn phát chút tài. Bạch Thoại Tiên Nhân mừng muốn chết, nín nhịn đã quá lâu, nó tức khắc dốc hết vốn liếng, tuôn một tràng dài về cuộc đời đặc sắc của Tạ Liên sau khi có tiền, nào ăn uống chơi gái bài bạc nào nhiễm đủ thứ bệnh rồi mắc nợ ngập đầu, nguyền rủa luôn mồm nói mãi không dứt. Tạ Liên vừa đếm tiền vừa nghe say sưa, nghe xong vẫn tắm rửa đi ngủ như thường, Bạch Thoại Tiên Nhân cũng chẳng hút được gì như trước.

Ngay đêm hôm đó, mớ đồng nát của Tạ Liên bốc cháy.

Sau khi dập lửa, Tạ Liên mặt mày đen thui than thở với Bạch Thoại Tiên Nhân: “Tiếc quá. Bị đốt trụi cả rồi, đến một cái cũng chẳng còn. Mấy câu sống say chết mộng phù thế lưu kim* mà tối qua ngươi nói, ta vẫn chưa được trải nghiệm cái nào. Ta thấy những gì ngươi nói thú vị lắm, hay là ngươi lặp lại lần nữa đi.”

*Sống say chết mộng (Túy sinh mộng tử): Sống trong cơn say, chết trong cơn mơ, chỉ trạng thái như uống say rượu hoặc nằm mộng, hồ đồ mà sống qua ngày.

*Phù thế lưu kim: có thể hiểu nôm na là những năm tháng đáng quý tốt đẹp trên đời.

Cứ thế ba bốn lần, dần dà về sau, Tạ Liên thậm chí còn chủ động hỏi nó, ngươi có gì muốn nói không? Ngươi muốn nói vài câu không? Cuối cùng Bạch Thoại Tiên Nhân không chịu nổi nữa, bỏ trốn mất dạng.

Đối với Bạch Thoại Tiên Nhân, ôn thần như Tạ Liên quả là khắc tinh. Một là y chẳng có việc gì mừng, uổng công chờ đợi mấy năm; hai là y đã quá quen với mọi vận rủi nên không hề hoảng sợ lo lắng gì. Chưa kể số y xui xẻo vượt xa sức tưởng tượng của Bạch Thoại Tiên Nhân, vì vậy với Tạ Liên mà nói, lời nguyền rủa của chúng chẳng xi nhê gì, tưởng chừng như chúc phúc, hoặc như đang kể mộng hão huyền.

Tóm lại từ đó trở đi, Tạ Liên đoạn tuyệt nhân duyên với Bạch Thoại Tiên Nhân. Thậm chí y còn hơi ngờ vực, phải chăng sau khi chạy trốn, con Bạch Thoại Tiên Nhân đó đã nhiệt liệt tuyên truyền về việc y xấu xa nhường nào với nội bộ chủng tộc của nó hay không.

Nghe đến đây, Sư Thanh Huyền nhịn không được phì cười. Hoa Thành lạnh nhạt hỏi: “Buồn cười lắm à.”

Sư Thanh Huyền cũng biết như vậy không ổn, lập tức chỉnh lại sắc mặt, nghiêm túc nói: “Xin lỗi, Thái tử điện hạ.”

Tạ Liên cười đáp: “Không có gì đâu. Dù sao ta cũng thấy rất thú vị.”

Y đưa ra tổng kết: “Bạch Thoại Tiên Nhân hấp thu pháp lực từ nỗi sợ hãi của con người, rồi lại thúc đẩy những lời tiên đoán trở thành sự thật nhờ vào nguồn pháp lực đó, sau cùng lại đưa ra những lời tiên đoán mới. Cứ tuần hoàn tới lui như thế, mãi đến khi một người bị đánh gục triệt để, lòng như tro tàn mới chịu thôi. Chính vì vậy, ý chí càng không vững thì càng chịu thiệt, mà sở hữu càng nhiều thì càng sợ mất nhiều.”

Ngừng một lúc, y lại nhắc nhở: “Có tín đồ của Phong Sư đại nhân nhận được lời cầu nguyện nên nhờ ngươi giúp đỡ sao? Ngươi là Phong Thần, thứ này không thuộc phạm vi quản lý của ngươi, nếu nhận được có thể chuyển giao cho Võ Thần.”

Sư Thanh Huyền lại trả lời: “Không phải tín đồ gặp phải, là chính ta gặp phải.”

Lần này, Tạ Liên càng thấy khó hiểu: “Chính ngươi gặp phải ư? Thông thường Bạch Thoại Tiên Nhân nào dám trêu chọc thần quan. Cho dù có chọc, dựa vào địa vị thần quan cũng đâu cần sợ chúng.”

Sư Thanh Huyền thở dài: “Nếu gặp sau khi ta phi thăng, dĩ nhiên không đáng lo, nhưng… chuyện này kể ra dài dòng lắm.”

Kể rằng mấy trăm năm trước, khi còn là người thường, Phong Sư và Thủy Sư sinh ra trong một gia đình thương nhân giàu sang quyền thế. Sư Thanh Huyền là con thứ, lúc vừa chào đời, cả nhà hết sức mừng rỡ, đặt nhũ danh cho con là “Huyền”, ngoài ra còn phát cháo miễn phí rộng rãi, làm việc thiện tích đức.

*Huyền: Màu đen; huyền bí, ảo diệu.

Khi ấy có một thầy tướng số húp cháo xong, thấy đứa bé bọc tã bèn hỏi sinh thần bát tự (ngày giờ tháng năm sinh), sau cùng phán một tràng: “Ăn cháo nhà các ngươi, ta nói vài lời vậy. Tuy mệnh cách của con trai nhà các ngươi tốt thật, nhưng một lời khó nói hết. Nếu muốn cứu nó, nhất định phải cố gắng khiêm nhường, đừng để nó tập thói huênh hoang từ bé, không được cho nó nổi trội quá, nên nhớ phát tài trong thầm lặng*, như vậy mới bình an một đời. Tuyệt đối không được tổ chức việc mừng gì cho nó, sẽ đưa đến những thứ không tốt đấy.”

*Phát tài trong thầm lặng: ý bảo đôi khi im lặng không khoe mẽ có thể bảo vệ lợi ích của mình tốt hơn, tránh để người khác thấy mình được lợi mà sinh lòng đố kỵ. Phương Tây có một câu tương tự: Phải thông minh hơn nó, nhưng đừng cho nó hay.

Lời này chẳng mấy lọt tai, quả thật không thua gì Bạch Thoại Tiên Nhân. Nhà họ Sư lại là gia đình thương nhân, cực kỳ xem trọng những thứ này, lập tức sầm mặt đuổi người đi ngay, dĩ nhiên cũng chẳng để bụng lời lão nói, vài ngày sau còn tổ chức tiệc cho Sư Thanh Huyền, giăng đèn kết hoa, khua chiêng gõ trống.

Thế nhưng ngay trong buổi tiệc, lúc mọi người đang chè chén hăng say, thi nhau chúc phúc nhị công tử còn bọc tã của nhà họ Sư, thình lình có một giọng nói cất lên từ dưới đất: “Bất đắc thiện thủy, bất đắc thiện chung!”

*Bất đắc thiện thủy, bất đắc thiện chung: Tạm dich là “Khởi đầu không lành, kết thúc chẳng yên”. Riêng cụm “Bất đắc thiện chung” ý bảo chết không nhắm mắt, chết không tử tế, thường chỉ kết cục tồi tệ mà kẻ ác đáng nhận.

Giọng nói này thật sự vọng lên từ dưới lòng đất, át hết giọng nói của những người khác, làm cho ai nấy cũng sợ ngây người.

Tiệc rượu kết thúc trong nỗi sợ, ngay đêm hôm đó, Sư Thanh Huyền vẫn còn là trẻ sơ sinh đột nhiên phát sốt, khóc lóc không ngừng, làm cách nào cũng không hạ nhiệt, còn liên tục nôn ói, khiến cả nhà sợ đến bay mất hồn vía. Nhớ đến thầy tướng số phán mấy lời xằng bậy bị đuổi cổ cách đây không lâu, nhà họ Sư vội vàng tìm kiếm khắp nơi mời người ta về. Thầy tướng số nói: “Bảo các ngươi đừng huênh hoang, các ngươi lại nhất quyết không nghe. Bây giờ thằng bé đã đụng phải chân tiên, e rằng đời này sẽ hậu hoạn liên miên. Trận sốt đó chưa là gì đâu, chẳng mấy chốc sẽ khỏi thôi, nhưng cái này chỉ mới là quà gặp mặt của nó!”

Thứ mà Sư Thanh Huyền đụng phải, dĩ nhiên là Bạch Thoại Tiên Nhân. Song đây không phải là Bạch Thoại Tiên Nhân tầm thường có thể tùy tiện đuổi cổ, mà là con Bạch Thoại Tiên Nhân lớn tuổi nhất, có đạo hạnh cao nhất. Cao đến mức nào? Không gặp tiệc mừng cũng khóc tang được, cho nên nó được gọi là “Bạch Thoại Chân Tiên”.

Có thể nói con Chân Tiên này “ba năm không ra mắt, ra mắt ăn ba năm”. Mắt quan sát cay độc, người mà nó bám quấn, nào có ai không phải nhân vật lớn một đời huyền thoại lên nhanh rớt nhanh. Có người thắng được nó, nhưng cũng phải đấu tranh với nó cả đời, dâng cho nó không ít “thức ăn”. Có người bại dưới tay nó, triệt để biến thành một phần trong nguồn pháp lực của nó. Tích góp trăm ngàn năm, căn cơ rất thâm hậu. Đến nay nó đã nghỉ ngơi hơn trăm năm, tính thời gian cũng nên ra ngoài hoạt động rồi, lần này mở miệng, tất phải cắn một miếng lớn. Vừa khéo mệnh cách của Sư Thanh Huyền chào đời vào lúc đó rất hợp khẩu vị của Chân Tiên, thế nên bị nó “nhắm trúng” luôn. Tuy bấy giờ trẻ sơ sinh nghe lời tiên đoán của nó chẳng hiểu mô tê gì, nhưng trẻ sơ sinh rồi cũng sẽ trưởng thành, sẽ có một ngày nghe hiểu, sẽ có một ngày biết sợ hãi. Hơn nữa nỗi sợ hãi chôn mầm từ tấm bé cắm rễ sâu trong lòng, không thể xua đi được.

Cũng may loại yêu ma tinh quái này thường là dạng đầu óc chỉ có một sợi gân*, cách thức nhớ một vật rất kỳ quặc, không giống người bình thường, thầy tướng số bèn nghĩ ra một cách để lừa nó: Đầu tiên bảo nhà họ Sư đưa Sư Thanh Huyền ra ngoài, giả vờ đưa đi rồi thay hình đổi dạng cho con trai, ngụy trang thành bé gái đem về, nói là con gái nuôi đón từ bên ngoài về, bắt toàn bộ người trong nhà gọi vị công tử này là “tiểu thư”, từ nhỏ đã giả trang nó thành con gái mà nuôi. Chỉ cần Bạch Thoại Chân Tiên vẫn chưa tìm thấy bé trai mà thuở xưa mình nhắm trúng, thời gian qua đi, biết đâu sẽ chẳng nhớ được người ban đầu nó chọn là ai.

*Một sợi gân: Ý nói cố chấp, cứng nhắc, chỉ thực hiện vấn đề theo cách của mình; nhưng cũng có nghĩa tốt là tập trung, không phân tâm.

Cứ thế, Sư Thanh Huyền quả nhiên bình an vô sự sống đến mười tuổi.

Trong mười năm đó, gia đình quyền thế giàu có ngày nào dần dần sa sút. Cha mẹ hai Sư qua đời, trong nhà lục đục đấu đá, tranh giành tài sản. Sư Vô Độ phiền không chịu thấu, thế là vào năm lên mười sáu, hắn đưa Sư Thanh Huyền nhỏ hơn mình mấy tuổi rời khỏi nhà.

Hai anh em sống nương tựa lẫn nhau, Sư Vô Độ lên núi bái sư tu hành trước, gửi nuôi em trai ở trấn nhỏ dưới chân núi. Ngày nào Sư Vô Độ cũng tu hành luyện công đến tận khuya, chạng vạng mới xuống núi. Trên núi không có gì ăn, ban đêm mới có thể về nhà ăn cơm. Một buổi tối nọ, Sư Vô Độ luận bàn với người khác hăng say quá, quên mất thời gian. Sư Thanh Huyền chờ mãi không thấy ca ca về, lo anh mình không có cơm ăn sẽ đói bụng nên quyết định đưa cơm lên núi.

Khi ấy Sư Thanh Huyền vẫn còn bé, không biết đi đường núi, ban đêm lại tối đen như mực, nhóc xách hộp cơm đi lâu đến nỗi mắc tè luôn, mót quá nên đành cởi váy ngay bên đường núi. Lúc này, trước đường núi có một bóng đen từ xa đi tới, cất giọng hỏi: “Đằng trước là Huyền nhi à?”

Vừa nghe có người gọi nhũ danh của mình, Sư Thanh Huyền cứ ngỡ là người mà ca ca nhờ đến đón mình, thế là vội thả váy xuống, đáp lại: “Là ta!”

Giọng nói xa lạ tiếp tục hỏi: “Sinh thần bát tự của ngươi, có phải là năm này tháng này ngày này giờ này không?”

Sư Thanh Huyền lấy làm lạ, một là khi không sao lại hỏi sinh thần bát tự của mình, hai là người này còn nói đúng y chóc, bèn đáp: “Đúng thế! Làm sao ngươi biết? Ngươi là ai? Ngươi quen ca ca ta hả?”

Giọng nói kia không trả lời, cuối cùng chỉ nói một câu: “Ngươi qua đây, để ta nhìn rõ mặt ngươi nào.”

Đây là giọng điệu ra lệnh. Đến nước này, rốt cuộc Sư Thanh Huyền cũng cảm thấy có điều không ổn.

Nhóc ôm hộp cơm co cẳng bỏ chạy. Chạy mãi chạy mãi, chỉ nghe phía sau lẫn phía trên là tiếng gió mạnh thổi vù vù và tiếng cười ha ha cuồng dại, chẳng ngờ vật kia vẫn bám sát theo sau, quát: “Ngươi sẽ lập tức ngã xuống!”

Sư Thanh Huyền sợ mất hồn vía, vừa nói đến chữ “ngã”, quả nhiên nhóc ngã thật, ngã vỡ cả hộp cơm, cơm vương vãi đầy đất. Đúng lúc vật kia sắp nhào qua, Sư Vô Độ đuổi tới.

Thấy có người đến, Bạch Thoại Chân Tiên tức thì biến mất chẳng thấy đâu. Sư Vô Độ ôm lấy em trai ngã đến mức mặt dính đầy máu cơm, hai anh em đều kinh hãi không thôi.

Vẫn bị nó phát hiện rồi!

Bị né tránh nhiều năm như thế, rốt cuộc Bạch Thoại Chân Tiên cũng nếm được chút quả ngọt đầu tiên, từ đây bắt đầu ẩn hiện đúng lúc, lần sau càng xuất quỷ nhập thần hơn lần trước. Đạo hạnh của nó quá lợi hại, gia nghiệp của nhà họ Sư đã đổ sụp, những pháp sư và đạo nhân mà Sư Vô Độ có thể mời tới đành bó tay chịu trói, mà hắn cũng không đủ sức vung mạnh trăm vạn công đức, trực tiếp chuyển lời của mình đến trời cao. Tuy nó vẫn chưa cần mạng của Sư Thanh Huyền, nhưng hai anh em thừa biết, chẳng qua nó đang chờ nuôi mập rồi thịt thôi. Bây giờ chỉ nhẹ nhàng đánh vài bạt tai, nhắc nhở đối phương phải sợ nó, rồi sẽ có ngày muốn chơi vố lớn. Cũng như một gã thợ săn không cho con mồi một mũi tên chết ngay, cứ thích bắn sượt qua vài mũi, khiến cho con mồi sợ hãi tột độ, mà Bạch Thoại Chân Tiên xem thứ đó là thức ăn.

Quả thật chẳng khác nào một màn lăng trì.

May rằng, cuối cùng bước ngoặt đã tới. Sau nhiều năm ra sức khổ tu, Sư Vô Độ phi thăng.

Vừa phi thăng, hắn lập tức đưa Sư Thanh Huyền lên Trung thiên đình, ra sức đổ biết bao thiên tài địa bảo, chưa đến vài năm, Sư Thanh Huyền cũng thuận lợi phi thăng. Từ đó trở đi, Bạch Thoại Chân Tiên cũng mai danh ẩn tích.

Theo lẽ đương nhiên, Sư Thanh Huyền cho rằng cuối cùng nó đã bỏ cuộc, biết khó mà lui rồi. Tiếc thay, dường như đó chỉ là mộng đẹp của hắn mà thôi.

Mấy hôm trước, Sư Thanh Huyền rủ một đám bạn đi uống rượu. Lúc đang say túy lúy, chợt nghe một giọng nói hung tợn vang bên tai: “Ngươi vĩnh viễn đừng mong gặp lại anh trai ngươi!”

Giọng nói quá đỗi quen thuộc, trong khoảng thời gian từ năm mười tuổi đến tận lúc phi thăng, hầu như năm nào Sư Thanh Huyền cũng nghe được giọng này một hai lần, nỗi sợ đối với nó đã sớm khắc vào xương tủy, quả thật như sấm rền bên tai. Sư Thanh Huyền tức khắc tỉnh rượu, bị dọa đến mức chạy thẳng tới địa bàn của Bùi Minh ngay trong đêm, tận mắt nhìn thấy Sư Vô Độ đang yên ổn tụ họp với đám Linh Văn mới bình tĩnh trở lại.

Sau đó, Sư Thanh Huyền hoài nghi ngờ phải chăng giọng nói ấy là ảo giác thính giác của mình. Suy cho cùng từ nhỏ đã bị thứ đó gieo rắc nỗi ám ảnh quá sâu đậm, trước đây cũng từng bị thế rồi. Nhưng suy đi nghĩ lại, Sư Thanh Huyền vẫn cảm thấy không yên tâm, bèn kéo theo Minh Nghi, tiện thể tới tìm Tạ Liên hỏi thử, nào ngờ lại đụng độ Hoa Thành ở Bồ Tề quán, rõ là oan gia ngõ hẹp.

*Ảo giác thính giác: Nghe tiếng nói lạ văng vẳng bên tai mặc dù không có bất cứ ai nói ở bên cạnh.

Nghe xong, Tạ Liên mở miệng: “Nếu nói như vậy, thứ mà Phong Sư đại nhân gặp phải hoàn toàn không cùng đẳng cấp với thứ ta gặp phải.” Nghĩ ngợi chốc lát, y quay sang hỏi Hoa Thành: “Tam Lang, đệ đã tận mắt nhìn thấy Bạch Thoại Chân Tiên bao giờ chưa?”

Hoa Thành nghịch một chiếc đữa, đáp: “Hửm? Chưa thấy tận mắt bao giờ. Nhưng mà, ta có người quen từng gặp rồi.”

“Người quen” này là ai, tuy rất tò mò nhưng Tạ Liên cũng không hỏi nhiều, chỉ nói: “Rốt cuộc đạo hạnh của nó cao cỡ nào? Lợi hại thật sao?”

Hoa Thành quăng đũa, thong dong đáp: “Rất cao.”

Nghe vậy, sắc mặt của Sư Thanh Huyền và Minh Nghi càng đanh hơn. Hoa Thành nói tiếp: “Nó không giống đám tép riu bình thường đâu, khó đối phó thật đấy.”

Mặc dù miệng nói “khó đối phó”, song nét mặt của Hoa Thành vẫn bình tĩnh như thường, dường như chỉ khách sáo chút thôi. Tuy nhiên, nhận được lời đánh giá như vậy của Hoa Thành cũng không phải dạng vừa. Tạ Liên hỏi: “Phong Sư đại nhân, xem ra vấn đề không nhỏ đâu. Sao ngươi không nói chuyện này cho Thủy Sư đại nhân biết?”

Sư Thanh Huyền xua tay: “Không được không được. Huynh cũng biết mà, hiện giờ ca ca của ta sắp độ kiếp. Vào thời khắc mấu chốt thế này, nhỡ huynh ấy đi đánh nhau với Bạch Thoại Chân Tiên rồi phân tâm thì tính sao? Việc này ta phải giữ bí mật, không thể cho người khác biết. Các thần quan quen thân với ca ca của ta, ta cũng chẳng nói ai nghe hết.”

Một vị thần quan không phải cả đời chỉ độ kiếp một lần. Độ càng nhiều Thiên kiếp thì cảnh giới càng cao, địa vị càng vững, pháp lực càng mạnh. Sư Vô Độ là thần quan mang trên mình hai đạo Thiên kiếp, dạo trước tán gẫu trong Thông Linh trận, Tạ Liên cũng loáng thoáng nghe nói bây giờ Sư Vô Độ đang chờ lần thứ ba, nếu phân tâm đúng là rất bất lợi. Độ kiếp thất bại, nói thế nào cũng sẽ tụt cảnh giới.


Vui lòng click vào dấu mũi tên để lùi hoặc sang chương kế tiếp