THIÊN QUAN TỨ PHÚC

Quyển 2 - Chương 69: Vớt tiền của tiên, tướng sĩ lỗ mãng gặp thái tử

trước
tiếp

“Mở –”

Đi kèm với một tiếng hô hào hùng hậu, gấm vóc đỏ thẫm rơi xuống đất. Giữa hàng ngàn người, nhất thời bùng lên tiếng hoan hô ngút trời.

Đây là một pho tượng thần Thái tử bằng vàng ròng. Một tay cầm kiếm, một tay cầm hoa*, ví với “Vốn có năng lực diệt thế, không đánh mất lòng tiếc hoa”. Đường nét gương mặt tượng thần dịu dàng, mắt ngọc mày ngài, nét môi mỹ lệ, khóe miệng khẽ nhếch, cười như không cười. Nói đa tình mà không ngả ngớn, nói vô tình cũng chẳng hững hờ, là một tướng mạo từ bi mà tuấn tú.

*Cầm hoa ở đây là chỉ dùng ngón cái và ngón trỏ để cầm nha, tương tự như vầy.

Đây là tòa điện Thái Tử thứ tám ngàn trong lãnh thổ nước Tiên Lạc.

Phi thăng ba năm, đất bằng dựng nên tám ngàn tòa điện thần. Sự ủng hộ nhiệt liệt vô tiền khoáng hậu như thế, tuyệt đối là tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả, độc nhất một phần.

*Tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả: Trước nay chưa từng có ai làm được.

Nhưng điện thờ thứ tám ngàn này, cũng không phải là tượng thần Thái tử nguy nga quý giá nhất. Trên núi Thái Thương, đỉnh núi nơi Thái tử điện hạ tu hành vào thuở thiếu thời, nay đã được đặt tên là “đỉnh Thái Tử”.

Chính tại nơi đó, cung Tiên Lạc thứ nhất được dựng nên. Sau khi pho tượng thần Thái tử đầu tiên được đúc xong, cũng chính tại nơi đó, quốc vương bệ hạ đích thân vén màn. Pho tượng thần Thái tử ấy cao đến năm trượng (16.5m), kỹ thuật điêu khắc sinh động như thật. Cả pho tượng chế tạo từ vàng ròng, chính là “thân vàng” hàng thật giá thật.

Trong cung Tiên Lạc, khách hành hương nườm nượp không ngớt, đạp phá bậc cửa. Đỉnh hương trước điện cắm chi chít nén dài nén ngắn, hòm công đức cũng to lớn bền chắc hơn hòm công đức trong những ngôi miếu bình thường, bởi vì nếu không làm lớn một chút, thông thường chưa đến một ngày đã bị ném đầy đồ cúng, người đến sau không bỏ vào được. Mới vừa vào quán, còn có một hồ nước sâu trong vắt cũng bị ném đầy tiền xu, lấp lóe ánh xanh dưới gợn sóng lăn tăn, mấy con rùa già trong hồ ngày nào cũng bị tiền của khách hành hương trên cầu đá nện cho rụt vào mai rùa không dám ló đầu ra, các đạo nhân khuyên can du khách thế nào cũng vô dụng. Phía trong tường đỏ cao rộng của đạo quán trồng đầy hoa mai, trên cành cây cột vô số dải băng cầu phúc rực đỏ. Băng đỏ tung bay theo gió giữa biển hoa, phồn hoa tựa gấm.

Còn trong đại điện, Tạ Liên ngồi ngay ngắn dưới tượng thần của mình, quan sát mọi người. Không ai trông thấy y, nhưng y lại có thể ngồi nhìn đám khách hành hương bên dưới nhao nhao bàn tán: “Sao trong điện Thái Tử này không có đệm hương bồ dùng để quỳ lạy vậy?” “Đúng rồi, quán chủ cũng nói không được quỳ, quán cũng mở rồi mà không được quỳ là sao?”

Có một người nói: “Các ngươi mới tới cung Tiên Lạc lần đầu tiên nhỉ, cung Tiên Lạc luôn là thế mà. Nghe nói sau khi phi thăng, Thái tử điện hạ báo mộng cho rất nhiều ông từ và quán chủ, nói người tin mình không cần quỳ. Vậy nên trong điện Thái Tử không có chỗ quỳ lạy.”

Tuy rằng người khác chẳng hề nhìn thấy Tạ Liên, Tạ Liên vẫn gật gật đầu. Ngờ đâu, những người khác lại cười nói: “Đây là cái đạo lý gì? Thần tiên là để quỳ lạy kia mà? Tin nhảm à.”

Tạ Liên nghẹn họng. Lại nghe có người phụ họa: “Đúng đó, quỳ thì nhất định phải quỳ. Quỳ mới tỏ ra thành tâm chứ!” “Không có đệm hương bồ cũng chẳng sao, chúng ta quỳ dưới đất đi.”

Thế là một người tiên phong quỳ xuống, ngay lập tức, hàng loạt người khắp bốn bề đều quỳ theo. Hàng trăm hàng ngàn người chen chúc trong điện ngoài điện, dập đầu bái lạy tượng thần hết lớp này đến lớp khác, miệng lẩm nhẩm đọc, âm thầm hứa nguyện cầu phúc. Tạ Liên lẳng lặng tránh ra, nghĩ bụng: “Thôi vậy, cứ từ từ mà tiến.”

Giây tiếp theo, vô số ầm ĩ tiếng người hệt như sóng lớn từ bốn phương tám hướng ập về phía y. “Cầu trúng tuyển khoa cử! Trúng tuyển khoa cử! Năm nay nhất định phải trúng tuyển khoa cử! Trúng rồi sẽ hoàn nguyện!”

Hoàn nguyện: Người cầu xin thần phù hộ thực hiện những gì mình hứa với thần sau khi đạt được nguyện vọng.

“Lên đường bình an!”

“Cô nương mà ta để ý toàn để ý sư huynh của ta, xin ngài hãy làm cho huynh ấy xấu xí một chút, xin ngài đó.”

“Con mẹ nó, ta không tin ta vẫn không sinh được một nhóc bụ bẫm!!!”

… Cầu gì cũng có, Tạ Liên nghe mà đầu to như cái đấu, vội vàng bắt quyết niệm chú, ngăn cách mọi âm thanh. Bên này tai y vừa yên tĩnh lại, chỉ nghe một tiếng kêu to, một người mặc áo đen hai tay bịt lỗ tai chạy ra từ sau điện, la toáng lên: “Cái quỷ gì thế này!!!”

Chúng khách hành hương hoàn toàn không phát hiện sự xuất hiện của người này, tiếp tục dập đầu bái lạy. Tạ Liên thở dài một hơi, vỗ vai người nọ, cười nói: “Phong Tín, cực thân ngươi rồi.”

Cung Tiên Lạc nhang đèn dồi dào như vậy, lời cầu nguyện mà mỗi ngày Tạ Liên có thể nghe được nào chỉ hơn một ngàn. Ban đầu, y còn xông xáo nhờ vào tinh thần ham mới lạ, chẳng phân lớn nhỏ tự mình làm hết, về sau người cầu phúc thật sự quá nhiều, y bèn ném một phần cho Phong Tín và Mộ Tình. Những cái nào nằm trong phạm vi chức trách của y, những cái nào có thể bỏ qua, hai người xem qua một lượt, sau đó lọc ra cái nào cần chú trọng giao cho Tạ Liên.

Mộ Tình xem xong sẽ báo cáo cho y, trước giờ chưa từng phàn nàn câu nào, Phong Tín thì không tài nào hiểu nổi vì sao có người cứ thích cầu bậy bạ một tràng, ngay cả hòa hợp chuyện phòng the cũng đến cung Tiên Lạc để cầu. Tạ Liên là Võ Thần, làm sao quản loại chuyện đó được? Cứ như thế mãi, còn khiến cho những thần quan khác có ý kiến bất mãn, ngấm ngầm ám chỉ bọn họ không ị mà chiếm hầm cầu, quản không được còn muốn lôi kéo tín đồ qua, đúng là cạn lời mà. Tay bịt tai của Phong Tín lần lữa không chịu buông, dù rằng bịt tai thật ra chẳng có tác dụng gì. Hắn nói: “Điện hạ, sao huynh nhiều nữ tín đồ quá vậy!”

Tạ Liên lồng hai tay vào tay áo, ngồi trong khói mây lượn lờ, mỉm cười nói: “Nhiều nữ tín đồ không tốt sao? Mỹ nhân như mây, cảnh đẹp ý vui.”

Phong Tín ra chiều sợ hãi: “Không tốt chút nào hết, nữ tín đồ hình như suốt ngày ngoại trừ cầu cho lớn lên xinh đẹp gả vào nhà lành sinh được con trai thì chẳng còn nguyện vọng nào khác, không ai đàng hoàng cả, ta thấy các nàng là đau đầu!”

Tạ Liên mỉm cười, đang định tiếp lời, đột nhiên, đoàn người náo loạn. Tạ Liên và Phong Tín nhìn ra ngoài điện, chỉ nghe có người hạ giọng nói: “Tiểu Kính Vương tới rồi, đi mau đi mau! Tiểu Kính Vương tới rồi!”

Vừa nghe ba chữ “Tiểu Kính Vương”, mọi người cứ như nghe được “Đại Ma Vương”, ai cũng sợ xanh mặt, hốt hoảng giải tán. Chỉ trong nháy mắt, hệt như có gió lốc thổi qua, khách hành hương vốn dĩ đang thăm viếng tượng thần tháo chạy gần hết. Lát sau, một thiếu niên áo gấm dáng vẻ cao quý thân khoác áo choàng, hai tay bê một ngọn đèn cúng* làm bằng ngọc lưu ly, bước qua bậc cửa, nghênh ngang tiến vào. Nếu không nhìn cặp mắt, dung mạo của thiếu niên này có ba bốn phần tương tự Tạ Liên, mà khi nhìn cặp mắt lại cảm thấy gã quá ngạo nghễ chói lóa, không phải Thích Dung thì còn ai?

*Bảo đăng: ý chỉ đèn dùng để cúng thần phật, hoặc đèn chạm trổ hoa lệ.

Bây giờ Thích Dung cũng tầm mười bảy mười tám tuổi, mặt mày nẩy nở, khí chất trầm lắng, cũng xem như có vài phần phong thái của nam tử quý tộc. Gã vào cửa, nhưng không cho phép thuộc hạ và tùy tùng vào theo, hai tay bê ngọn đèn, bước vào trong điện, vén áo choàng quỳ dưới mặt đất sạch sẽ, nâng đèn qua khỏi đỉnh đầu, nghiêm trạng lạy vài cái. Hai người trên bệ thờ đưa mắt nhìn nhau, Phong Tín chép miệng, Tạ Liên đọc hiểu vẻ bực mình trong mắt hắn.

Ba năm trước, lúc Tạ Liên rời khỏi hoàng thành ra ngoài du ngoạn, Thích Dung còn đang bị cấm túc, sau khi trở về, y còn chưa kịp gặp biểu đệ này một lần, tối đó đang say giấc nồng đã đùng đoàng phi thăng. Trong ba năm nay, Tạ Liên báo mộng không ít lần cho cha mẹ và quốc sư, cũng báo cho Thích Dung một lần, khuyên bảo Thích Dung từ nay về sau phải thiện chí giúp người, kiềm chế tính tình, không được càn quấy. Thế là Thích Dung hết sức tích cực đi khắp nơi tham gia xây dựng đạo quán miếu thờ, cúng đèn và quyên tặng công đức.

Tuy rằng gã làm rất gắng sức, vô cùng thành kính, nhưng vẫn thường xuyên gây chút rắc rối như cũ, nhiều lần Phong Tín phải xuống thu dọn tàn cuộc, vì vậy Tạ Liên cũng hiểu được tại sao Phong Tín bực mình.

Bên kia, Thích Dung bái xong, nói bằng giọng trách móc: “Thái tử biểu ca, đây là ngọn đèn thứ năm trăm mà ta cúng cho huynh, kẻ làm em này trung thành với huynh như thế, chừng nào huynh mới đến gặp ta đây? Báo mộng cho ta lần nữa cũng được mà. Dì dượng cũng nhớ huynh da diết, huynh lại chẳng buồn ngó ngàng đến chúng ta, đúng là cao ngạo lạnh lùng mà.”

Thích Dung hoàn toàn không phát hiện Phong Tín đang đứng bên cạnh gã nhắc nhở Tạ Liên: “Huynh đừng bao giờ để ý đến gã. Đế Quân đã nói với huynh, nếu sự cố không nghiêm trọng thì thần quan tuyệt đối không thể tự lén lút hiển linh trước mặt người phàm. Họ hàng thân thuộc lại càng phải kiêng kỵ.”

Tạ Liên nói: “Yên tâm, dĩ nhiên ta biết rồi.”

Thích Dung nâng ngọn đèn đứng dậy, cầm lấy một cây bút, cúi đầu bắt đầu viết chữ lên đèn. Do lòng mang nỗi ám ảnh với Thích Dung, Tạ Liên và Phong Tín nhịn không được cùng nhích lại gần xem thử rốt cuộc gã viết cái gì, thấy chỉ là mấy lời bình thường như quốc thái dân an mưa thuận gió hoà này kia chứ không phải cầu mong ai đó bị chém cả nhà ở cổng chợ, hai người đều thở phào một hơi. Đến khi nhìn lại Thích Dung viết nắn nót từng nét từng chữ, Tạ Liên không khỏi nhớ đến một việc khác.

Hồi Thích Dung mới vừa theo mẹ về nhà, một lần nọ, có một đám vương công quý tộc kết bạn với nhau lên núi Thái Thương cầu phúc. Mẹ của Thích Dung bỏ trốn theo dân đen rồi chạy ngược trở về, cho nên không dám ra ngoài gặp người, nhưng vẫn muốn cầu phúc cho con trai, để nó có thêm kiến thức, không thể chui rúc một chỗ với mình suốt ngày rồi biến thành ếch ngồi đáy giếng được, vì vậy mới nhờ hoàng hậu dẫn Thích Dung theo.

Mặc dù đã cố hết sức ém xuống, nhưng chuyện bê bối của giới quý tộc bao giờ cũng truyền nhanh hơn mũi tên gắn cánh, trong hoàng thành làm gì có ai không biết chuyện của mẹ con Thích Dung? Bởi vậy, con em quý tộc thời đó đều tự giác gạt Thích Dung ra ngoài, không nói chuyện hay chơi đùa với gã. Tạ Liên thấy xích đu bèn chạy lên chơi, tất cả những đứa trẻ cùng tuổi đều chơi chung với y, thay phiên nhau giúp Thái tử điện hạ đẩy xích đu, còn lấy làm vinh hạnh. Lúc Tạ Liên đung đưa lên chỗ cao nhất, tình cờ cúi đầu nhìn thấy Thích Dung núp sau bóng mẫu hậu của mình, thò đầu ra ngửa mặt nhìn mình đầy hâm mộ.

Tới điện Thần Võ, những người lớn cúng đèn xong, trước tiên cùng các quốc sư đi xin xăm, giải xăm và trò chuyện, để lại một đám nhóc trong điện Thần Võ cúng đèn nhỏ chơi đùa. Lần đầu tiên gặp hoàng hậu, Thích Dung không biết hoàng hậu đã cúng giúp mẹ con mình một ngọn, thấy mấy ngọn đèn kia tinh xảo đẹp mắt nên cũng muốn cúng đèn cầu phúc. Thích Dung tuổi còn nhỏ chưa hiểu nhiều, đi khắp nơi hỏi người ta nên viết lời cầu phúc ước nguyện cho mẹ như thế nào. Mấy đứa nhóc cùng tộc với Thích Dung mọi khi ở nhà cũng rất ghét Thích Dung, chịu sự ảnh hưởng của trưởng bối nên cũng cảm thấy mẹ con bọn họ làm mất mặt nhà mình, thế là cố ý giở trò gạt Thích Dung. Tạ Liên tập trung tinh thần viết xong ngọn đèn của mình, vừa đặt bút xuống thì nghe có người ở sau lưng mình hi hi ha ha, cười một cách bất bình thường, ngoảnh đầu lại nhìn chỉ thấy Thích Dung tay dính đầy mực nước, ôm một ngọn đèn như báu vật, cười hớn hở chuẩn bị đem cúng. Mà trên ngọn đèn đó viết chín chữ xiêu vẹo, “Thích Dung mong sớm ngày quy thiên với mẹ”.

Tạ Liên ném phăng ngọn đèn đó tại chỗ, nổi trận lôi đình. Khi đó y cũng chưa lớn, nhưng lại dọa tất cả thiếu niên quý tộc sợ đến quỳ rạp dưới đất, không dám hó hé tiếng nào. Phát giận xong, Tạ Liên tự mình viết lại một ngọn đèn khác cho Thích Dung, không còn kẻ nào dám giở trò nữa. Sau đó xuống núi, y lại đi chơi xích đu. Lần này, Thích Dung chạy ra từ sau lưng hoàng hậu, chủ động đứng sau đẩy xích đu cho y. Thích Dung thấp hơn Tạ Liên, nhưng đẩy rất gắng sức, vẫn ở phía dưới ngửa mặt nhìn Tạ Liên, chỉ là ánh mắt từ hâm mộ đổi sang sùng bái. Sau đó nữa, Thích Dung biến thành cái đuôi của Tạ Liên, suốt ngày lắc lư bám theo sau “Thái tử biểu ca”.

Phải thừa nhận rằng, Thích Dung của ngày trước vẫn được xem là một người khá bình thường, cũng không biết xảy ra chuyện gì mà càng ngày càng vặn vẹo. Có điều trong ba năm qua, người và việc mà Tạ Liên phải quan tâm nhiều vô kể, không có thời gian chú ý người xưa, cũng không biết gã có tiến bộ hay không.

Nghĩ đến đây, Thích Dung đã cúng đèn xong, chuẩn bị rời khỏi điện. Nào ngờ lùi một hồi lại đụng trúng một người phía sau. Thích Dung lảo đảo, đoạn xoay phắt người, chẳng buồn nhìn đã mắng ngay: “Cái quái gì thế? Ngươi mắt mù hay chết đứng rồi mà không biết tránh ra?”

Gã vừa mở miệng, Tạ Liên với Phong Tín cùng đỡ trán, nghĩ thầm: “Không thay đổi. Vẫn y như xưa!”

Có lẽ vì trước năm tuổi luôn sống chung với cha, khó tránh tiêm nhiễm thói chợ búa và tính tình cáu kỉnh của cha, cho dù sau này hoàng hậu kiên nhẫn dạy bảo Thích Dung cỡ nào, hễ mà gã kích động, nói theo lời của quốc sư, thì gã vẫn sẽ “lộ rõ nguyên hình”. Chắn đường Thích Dung là một thanh niên áo quần rách rưới, tầm hai mươi bốn hai mươi lăm tuổi, vác một bọc hành lý thô sơ, đôi giày rơm gần như bị mài đến mất đế mất mép, lam lũ mỏi mệt. Có điều tuy thanh niên này sắc mặt tiều tụy, bờ môi khô nứt, xương gò má lõm xuống, nhưng ngũ quan lại hết sức đoan chính, gầy mà không yếu, ánh mắt sáng rỡ, hỏi: “Đây là đâu vậy?”

Thích Dung nói: “Đây là cung Tiên Lạc, điện Thái Tử!”

Người nọ lẩm bẩm: “Điện Thái Tử? Thái tử? Nơi này là hoàng cung thật sao?” Thấy tượng thần trong điện, bị vàng ròng thuần chất rọi cho sắc mặt nhuốm vàng, người nọ hỏi tiếp: “Đây là vàng ư?”

Thấy đạo quán này quá tráng lệ, người nọ ngỡ rằng điện thần là hoàng cung. Bên cạnh có kẻ hầu bước lên xua đuổi, nói: “Dĩ nhiên là vàng rồi. Điện Thái Tử là điện thần của Thái tử, không phải điện Thái Tử trong hoàng cung! Ngay cả đây là đâu cũng không biết, ngươi là dã nhân đến từ phương nào?”

Người nọ hỏi: “Vậy rốt cuộc hoàng cung nằm ở đâu?”

Thích Dung híp mắt nói: “Ngươi hỏi cái này làm gì?”

Đối phương nói một cách nghiêm túc: “Ta muốn đến hoàng cung gặp quốc vương. Ta có lời muốn nói với ngài ấy.”

Thích Dung và mấy kẻ theo hầu đều bật cười, mặt lộ vẻ khinh miệt, nói: “Thứ dân quê đến từ nơi nào kia, ngươi muốn tới hoàng cung để làm gì? Lại còn gặp quốc vương nữa, ngươi nói gặp là cho ngươi gặp chắc? Tới hoàng cung rồi, chỉ sợ ngay cả cổng chính ngươi cũng không vào được.”

Không hề suy suyển vì bị cười nhạo, người nọ nói: “Để ta thử xem. Biết đâu làm được.”

Thích Dung cười ha ha: “Vậy ngươi thử đi.” Nói đoạn nhấc tay lên, cố ý chỉ hướng ngược lại cho người nọ. Người nọ đáp: “Cảm ơn.” Dứt lời vác bọc hành lý, xoay người đi ra ngoài quán. Lên đến cầu đá, bỗng nhiên dừng chân nhìn xuống. Xuyên qua nước hồ trong vắt, có thể thấy hàng lớp tiền xu lẳng lặng nằm dưới đáy hồ.

Thanh niên này trông như suy tư chốc lát, giây tiếp theo, hắn trèo qua lan can cầu đá, nhảy xuống dưới hồ.

Thân thủ của hắn vô cùng mạnh mẽ, sau khi nhảy xuống hồ, hắn khom lưng vớt hết vốc tiền này đến vốc tiền khác dưới đáy hồ, nhét vào trong ngực và bọc hành lý của mình. Bởi vì chưa từng thấy người nào ngay cả tiền của thần tiên cũng dám cướp, Tạ Liên và Phong Tín đều ngẩn ngơ. Thích Dung cũng sửng sốt, sau đó giận tím mặt, xông tới đập lan can quát to: “Mẹ kiếp! Ngươi làm cái gì đấy?! Mau kéo nó lên cho ta!!! Thật đúng là khốn kiếp!!!”

Vài kẻ hầu vội vã nhảy xuống nước kéo người nọ, ngờ đâu thanh niên này võ nghệ cao cường, tay đấm chân đá, thế mà chẳng ai làm gì được hắn. Thích Dung ở bên trên nhìn mà nổi cơn tam bành, cả đám đạo nhân trong quán cũng đành người bó tay. Thanh niên kia vớt một đống tiền nặng trịch, vác bọc hành lý chuẩn bị trèo lên bờ, nào ngờ đạp trúng rêu xanh, trượt chân một cái, ngã tõm xuống nước với tư thế ngửa mặt lên trời, bấy giờ đám kẻ hầu mới nhân cơ hội tóm cổ hắn, vặn tay đưa hắn lên bờ. Thích Dung nhấc chân đá ngay một cú, mắng: “Tiền này mà ngươi cũng dám cướp!”

Lúc Thích Dung nhấc chân, Phong Tín đứng sát bên cạnh, nắm chắc thời cơ tiện tay cản lại, vì vậy cú đá này tuy Thích Dung ra đòn hung bạo, nhưng thực tế đá vào người đối phương không đến nỗi nghiêm trọng. Mặc dù Thích Dung không thấy Phong Tín đứng bên cạnh phá rối, nhưng cũng phát hiện có chỗ nào là lạ, như thể bị quỷ đè chân, đá mạnh bảy tám cú đều có cảm giác đó, không khỏi có chút buồn bực. Chẳng biết có phải sặc nước không, thanh niên kia ho khù khụ vài tiếng, nói: “Tiền này đặt trong hồ cũng chỉ để đó, tại sao không thể cho ta lấy đi cứu người?”

Thích Dung đá chưa sướng chân, cuối cùng chán ngán hỏi: “Cứu người nào? Ngươi là ai? Từ đâu đến?”

Gã hỏi như vậy, đơn giản là vì muốn gán tội danh cho thanh niên này rồi nhốt vào đại lao, thế nhưng thanh niên lại là một người thật thà, đáp: “Ta tên Lang Anh, sống tại Vĩnh An, nơi đó gặp nạn hạn hán, không có nước nên hoa màu không mọc nổi, mọi người không có đồ ăn, không có tiền xài. Nơi này có nước uống, có đồ ăn, có tiền xài, dùng vàng đúc tượng, ném tiền xuống nước, cớ sao không thể chia một ít cho chúng ta?”

Vĩnh An là một tòa thành lớn trong biên giới nước Tiên Lạc, Tạ Liên đứng dậy, sắc mặt sa sầm, hỏi: “Phong Tín, gần đây bên Vĩnh An gặp nạn hạn hán à? Sao ta không nghe nói gì hết?”

Phong Tín quay đầu đáp: “Không biết, ta cũng chưa nghe nói bao giờ, lát nữa hỏi Mộ Tình xem sao?”


Vui lòng click vào dấu mũi tên để lùi hoặc sang chương kế tiếp