LINH HỒN NỔI LOẠN

Chương 76

trước
tiếp

LINH HN NI LON

Tác gi: Phi Thiên D Tường

Người dch: Tàng Thư Quán

Triển Hành luôn cảm thấy Lâm Cảnh Phong vẫn ở bên mình, mỗi lần cậu qua đường mua đồ ăn sáng, cầm chai sữa đậu nành quay đầu lại, thường có cảm giác quen thuộc khôn tả.

Lúc cậu ngồi trong phòng học tự học, trên cái cây ngoài cửa sổ dường như có ai đó đang nhìn cậu.

Thậm chí lúc đi siêu thị mua đồ, Hoắc Hổ đẩy xe, Triển Hành ném bừa đồ vào xe, chợt ngẩng đầu lên, nhưng sau kệ hàng vắng tanh, chẳng thấy ai cả.

Sau giá sách trong thư viện, tia nắng hoàng hôn mang theo vô số hạt bụi li ti hắt vào, Triển Hành lật cuốn “Chúa Cứu Thế” lên, dịch nó ra bằng tiếng Cam Túc méo mó.

Cậu cười đặt sách trở về, ngẩng đầu nhìn một lát, rồi rút lấy cuốn “Tập thơ Puskin” trên đỉnh giá sách. Tập “Thiên đường đã mất” và “Thần khúc” đóng một lớp bụi dày nằm ở hai bên, chỉ có tập thơ Puskin là vẫn sạch sẽ.

Triển Hành mở nó ra phẩy một cái, đột nhiên rơi ra đầy cánh hoa hồng.

Cậu đứng lặng im, lát sau cười gọi: “Tiểu sư phụ, qua đây”.

Không có tiếng trả lời, thư viện tới giờ tan tầm, người quản lý bắt đầu kiểm kê sách.

Triển Hành cầm con dấu sách rời khỏi thư viện, về nhà mở tập thơ ra xem, Hoắc Hổ ôm một gói bỏng ngô to đùng vừa ăn vừa xem vở ca kịch “Mèo”.

“Lỡ như cuộc sống dối lừa em…”. Triển Hành đọc: “Xin chớ bi thương, cũng đừng nóng nảy”.

“Mà hãy bình thản trong chuỗi ngày sầu thảm, tin tưởng rằng, niềm vui rồi sẽ đến, chỉ trong thoáng chốc, mọi chuyện sẽ qua…”.

Hoắc Hổ: “Ngụ trong cung Potala, ta là vua vực tuyết”.

Triển Hành: “Trôi dạt nơi đầu phố Lhasa, ta là tình lang lãng mạn nhất thế gian! Anh chỉ biết có mỗi câu này!”. Dứt lời cậu cầm tập thơ đập bộp vào gáy Hoắc Hổ, làm bỏng ngô văng đầy mình ông anh.

“Anh lấy đâu ra vé xem phim trên bàn thế?”. Triển Hành tò mò hỏi.

Hoắc Hổ: “Có người tặng… ợ, anh mua”.

Triển Hành: “Anh có tiền à?”.

Hoắc Hổ: “Đương nhiên, anh biết đếm tiền rồi!”.

Triển Hành: “Sao lại có thẻ ưu đãi KFC trong hòm thư trước cửa?”.

Hoắc Hổ: “Có người… Ami càm về đấy”.

Triển Hành: “Không phải chứ. Mày biết chỗ nào có KFC à?”.

Hoắc Hổ: “Trên ti vi chỉ đó, chọn càng nhiều ăn càng vui, chỉ có ở KFC, cậu ta bảo cậu nhớ lấy hóa đơn”.

Triển Hành: “Ai bảo em lấy hóa đơn?!”.

Hoắc Hổ: “…”.

Triển Hành: “…”.

Hoắc Hổ: “Cậu hai cậu bảo cậu nhớ lấy hóa đơn! Mới gọi điện thoại qua dặn đó!”.

Triển Hành nhìn Hoắc Hổ, bán tín bán nghi mà gật đầu, đêm đó, cậu xem phim mà cứ nhịn không được quay đầu ra sau ngó, thấy ở hàng ghế cuối cùng có một người ngồi, nhưng Triển Hành không có đứng dậy.

Xuân qua hạ tới, thu đi đông lại.

Lễ Giáng sinh, Triển Hành tìm được một túi quà được gói bằng giấy hoa hết sức bắt mắt dưới ngăn kéo, trong đó có đựng một chiếc khăn choàng cổ và hai cái huy hiệu đầu to dễ thương bản kỷ niệm Đạo Mộ.

Đêm giao thừa, Hoắc Hổ và mèo trắng nhỏ đi tham gia buổi gặp gỡ của nhà mèo, Triển Hành đút hai tay vào túi áo, dạo bước trên đường phố Bắc Kinh.

Điện thoại đổ chuông, Tôn Lượng gọi tới.

Tôn Lượng: “Ê, Tiểu Tiện, qua đón Tết nào, cậu hai dẫn con đi cua gái nhé!”.

Triển Hành cầm điện thoại, nhàm chán nói: “Không thèm, con đi cùng Cảnh Phong cơ!”.

Tôn Lượng: “Không phải bảo tháng sau nó mới về à?”.

Triển Hành: “Anh ấy về trước thời hạn, đón Tết cùng con!”.

Tôn Lượng: “Ờ, vậy nếu rảnh thì tới nhà cậu hai chơi nhé”.

Triển Hành dạ một tiếng, rồi nói: “Chúc mừng năm mới cậu!”, sau đó cúp điện thoại.

“Alo, Lục Thiếu Dung đó à?”. Triển Hành nối thông điện thoại.

Triển Hành đi qua phố thương mại, có một con chó to đùng mặt ngu đứng trước tấm ảnh hoạt hình của cửa tiệm gãi đầu, giơ chân chụp đầu cậu.

Triển Hành nhìn chú chó mặt ngu, thấy nó đưa cho cậu một quả bóng.

Triển Hành cầm quả bóng, đứng trước mặt chú chó, vỗ đầu nó, nói vào trong điện thoại: “Đúng rồi, khi nào được nghỉ xuân con sẽ về nhà thăm mọi người nha, Bắc Kinh không lạnh lắm, đừng gắt gỏng đừng gắt gỏng, Lục Diêu đâu ạ?”.

“Lại đi trượt tuyết, nhớ dặn nó chú ý an toàn nha ba, không không, con không chạy lung tung đâu, Cảnh Phong vẫn chưa về nhà, con sẽ tiếp tục chờ anh ấy, hy vọng sang năm tụi con có thể ở bên nhau. Hai ba ơi, con yêu hai ba, năm mới vui vẻ”.

Triển Hành: “Cảm ơn”.

Chú chó mặt ngu gật đầu, trong đôi mắt trong veo thoáng hiện nét cười.

Vào mùa hạ, đội thực tập trường tới huyện Dân Cần tỉnh Cam Túc.

“Các bạn có thể thấy”. Một giáo sư nói: “Từ chỗ này đổi xe là có thể đi lên Tây Bắc…”.

Triển Hành cầm loa phóng thanh nói lớn: “Mọi người chú ý nào!”.

Các bạn trong lớp bị Triển Hành dọa hết hồn.

Triển Hành cười hì hì: “Hoan nghênh mọi người tham gia chuyến du lịch một ngày tới Dân Cần của chúng tôi, phim ngoài trời sẽ được chiếu vào ngày mùng một và mười lăm hàng tháng; sau khi đổi xe tại bản địa rồi là không có xe buýt công cộng nữa, phải ngồi máy cày hoặc xe lừa để tới ranh giới giữa sa mạc Ba Đan Cát Lâm và Đằng Cách Nhĩ, chỗ đó có một khúc Trường Thành đời Hán đó…”.

Triển Hành vừa dẫn bạn cùng lớp đi vừa nói.

Có người lén bàn tán: “Khoác lác ghê thật”.

Triển Hành cười: “Bởi vì tôi từng tới đây rồi, không lừa các cậu đâu”.

Một nữ sinh hỏi: “Cậu tới chỗ này làm gì?”.

Triển Hành nhún vai: “Đi chơi loanh quanh ấy mà, nam nhi chí tại bốn phương không phải sao? Tôi nhớ phía trước Trường Thành có một cái thôn, nghèo lắm luôn”.

Hướng dẫn viên bản địa nói xen vào: “Đúng, năm ngoái thôn họ Lâm còn ở đây, nhưng giờ đã di dời tập thể rồi, cậu tới đây khi nào thế?”.

Triển Hành: “Di dời? Dời đi đâu?”.

Hướng dẫn viên bản địa đáp: “Có một quý bà tới tài trợ bằng tiền của người bạn, toàn thôn tạm thời di dời tới quận Lương Châu ở thành phố Vũ Uy. Nhà nước đã xếp nơi này thành khu bảo tồn mới rồi”.

Triển Hành: “Họ chịu đi sao? Người sống ở nơi này, hộ khẩu vẫn còn mà?”.

Hướng dẫn bản địa cười bảo: “Khi ấy giấy tờ nhân khẩu đã được chỉnh sửa lại rồi, nghe đồn có rất nhiều người ở chui, nên buộc phải đăng ký lại lần nữa”.

Triển Hành gật đầu.

Hướng dẫn bản địa đưa họ đi khảo sát tình trạng bão cát, hàng bạch dương đã được trồng rồi mà hiện tượng sa mạc hóa vẫn còn hết sức nghiêm trọng. Triển Hành lại đề xuất ý kiến muốn xem thôn làng sau khi di dời, hướng dẫn bản địa bèn lên xe cùng Triển Hành tới quận Lương Châu.

Triển Hành dạo một vòng trước ngôi làng nhỏ, nói: “Xây dựng khang trang ghê, chắc tốn nhiều tiền lắm”.

Hướng dẫn bản địa bảo: “Chính phủ bỏ tiền, quý bà kia cũng tài trợ thêm nữa, cả mấy triệu lận”.

Triển Hành đứng ngoài một căn nhà trệt, nhà vừa được sửa sang xong, quét vôi trắng chưa bao lâu, trên vách tường có vẽ hai hình người bé xíu nhe nanh múa vuốt nắm tay nhau.

Triển Hành tò mò tiến lên, con chó vàng trong cửa sủa inh ỏi, Triển Hành vắt giò lên cổ chạy.

“Cái đồ cún mắc dịch này!”. Triển Hành cầm loa phóng thanh quát con chó vàng: “Không nhận ra tao à? Tao mới tới năm ngoái còn gì!”.

Chú chó vàng gầm gừ, ý bảo ai quen biết chú mày.

Triển Hành đành hậm hực bỏ đi.

Giữa mùa hè, cứ sau mỗi tiết thể dục, Triển Hành lại đầm đìa mồ hôi ngồi trên băng ghế dưới bóng cây, luôn phát hiện có một chai nước khoáng mát lạnh đặt ngay đó.

Triển Hành chưa bao giờ hỏi nó là của ai, cũng không thắc mắc sao nó lại chình ình ở chỗ này, lần nào cậu cũng mở nắp chai ra uống.

Khoa lịch sử vốn luôn ít nam nhiều nữ, Triển Hành đi tới đâu cũng được rất nhiều người để ý.

Có nữ sinh và hoa khôi lớp qua kết bạn, đưa cho cậu một chai nước chanh tươi, Triển Hành mặc quần bóng rổ, áo ba lỗ, đón lấy chai nước, cười hề hề: “Cảm ơn”.

Hoa khôi tức anh ách: “Người ta bảo cậu mở nắp hộ, cảm ơn cái gì, đồ mặt dày”.

Triển Hành gật gù đắc ý giống hệt tên lưu manh, vặn mở nắp chai chanh tươi ra.

Cô gái dịu dàng cười nói: “Cảm ơn”.

Triển Hành vặn ngược lại, vặn cho cái nắp càng siết chặt hơn.

Hoa khôi: “…”.

Triển Hành: “Há há há há…”.

Mùa đông, mỗi buổi học sáng, Triển Hành luôn ngồi cố định ở hàng ghế cuối lớp, không cần biết tiết đầu tiên là lịch sử Trung Quốc hay triết học phương Tây, bởi lúc nào trong hộc bàn cũng luôn đặt sẵn một tách cà phê nóng cùng hai miếng bánh khoai tây.

Một ngày nọ cậu rốt cuộc không nhịn nổi nữa, mới sáu giờ đã chạy tới trường, đu trên cửa sổ sau nhìn vào trong, rình gần cả tiếng mà chẳng thấy ai bước vào.

Bữa đó cũng chẳng có bữa sáng luôn.

Đồ keo kiệt, Triển Hành lẩm bẩm oán thầm.

Lá đỏ Hương Sơn bay lả tả, Di Hòa Viên mùa hạ đầy những bóng cây mát mẻ, ve kêu râm ran, hương hoa thơm ngát, che chở bao năm tháng bình yên, cứ thế năm này qua năm khác, hồi ức đã qua trở nên xa xăm khó tả.

Nghĩ lại những chuyến đi tới vịnh Giao Châu, hẻm Bát Giác trên Lhasa, đêm Liễu Châu tĩnh lặng, núi xanh Kiềm Đông Nam, gió tuyết Trường Bạch, dường như dài đến mấy đời.

Nếu không nhờ từng tấm ảnh dán trên tường, Triển Hành gần như đã đinh ninh rằng đó đều là những chuyện của kiếp trước.

Bức đầu tiên, cỏ dại um tùm, giữa trời xanh mây trắng và đồng hoang mùa thu, chỉ có nửa cái đầu của Lâm Cảnh Phong lấp ló trên tấm hình, là cảnh lúc chạy trối chết ở Bửu Kê, Triển Hành vẫn không quên chụp hình lại.

Bức thứ hai, bên bờ biển lớn của vịnh Giao Châu, Lệ Lệ, Kiến Vĩ, Trương Soái, Lâm Cảnh Phong ai cũng ỉu xìu u ám, dẩu môi chán nản.

Bức thứ ba, trên cung Potala, trước chùa Đại Chiêu, Lâm Cảnh Phong quỳ rạp trên mặt đất thở hổn hển.

Bức thứ tư ở Liễu Châu, ống kính chụp từ dưới lên, ghi lại bản mặt đẹp trai lạnh lùng của Lâm Cảnh Phong, thò đầu ra khỏi hố, miệng gặm miếng thịt bò khô.

Bức thứ năm là ở Khải Lý, ảnh do người qua đường chụp giúp, Trương Soái, Đường Du, Hoắc Hổ, Triển Hành và Lâm Cảnh Phong choàng vai nhau đứng thành một hàng, đằng sau là đội ngũ đón dâu kèn hoa rộn rã… Ấy khoan, cái người mặt liệu làm động tác “dze” ở góc xa kia là Trương Huy hả? Không ngờ anh ta cũng ở Khải Lý, sao không qua từ biệt?

Tấm thứ sáu là ảnh chụp hai chữ “về đi” trên thân cây ở đỉnh núi Trường Bạch, sau thân cây thấp thoáng một góc áo gió bay bay, hòa vào màn đêm tĩnh lặng.

Vậy mà lúc đó mình không hề phát hiện, Triển Hành sụt sùi nghĩ.

Tấm thứ bảy là trước giáo đường Phủ Viễn rạng rỡ ánh mặt trời, Lâm Cảnh Phong cầm tập thơ, dẩu môi hết sức khoa trương, như thể đang đọc một động từ mạnh nào đó.

“Chú ý!”. Thầy giám thị ho một tiếng: “Hai mươi phút nữa nộp bài”.

Triển Hành từ trong hồi ức tỉnh táo lại, lập tức vò đầu bức tai khổ sở muốn chết.

Ôi ôi đậu má! Ngữ pháp ư! Một đứa trẻ sống từ nhỏ tới lớn ở New York thi qua nổi trình độ sáu hay không! Thi nổi không! Qua biện luận rồi đó! Trời hè nóng bốn mươi độ còn bắt nhau thi trình độ sáu!

Triển Hành đầu bù tóc rối, tranh thủ lúc thầy giám thị quay người đi thì rướn cổ ngó nghiêng bàn bên cạnh, bỗng một chiếc máy bay giấy từ ngoài cửa sổ phi vào, đụng trúng đầu cậu.

Triển Hành sướng rơn, mở máy bay giấy ra, ai dè lại là tờ rơi luyện thi môn tiếng Anh.

Triển Hành tức điên lên vò tờ giấy thành một cục, xù lông há hốc miệng, ném tờ giấy ra ngoài.

“Hết giờ, thu bài”.

Triển Hành lén lút ngắt một bông cúc nhỏ tinh khôi mọc trước toàn nhà trường học rồi bắt đầu bứt cánh hoa.

Đỗ, trượt, đỗ, trượt, đỗ… cậu đeo ba lô, vừa bứt cánh hoa vừa đi ra khỏi sân trường.

“Triển Hành!”. Thầy phụ trách gọi cậu lại: “Trên danh sách đi thực tế hè này có tên em, thứ tư tuần sau về trường tập trung”.

Triển Hành gật đầu, hỏi: “Lần này đi đâu ạ?”.

Thầy phụ trách nói: “Tây An, Ly Sơn, có người tài trợ một khoản kinh phí, chỉ đích danh em tham gia khảo cổ”.

Triển Hành: “Em đâu có…”.

Thầy phụ trách cười nói: “Nghe đâu viện bảo tàng tiến cử em, người tài trợ kia cũng sẽ tham gia hoạt động khảo cổ”.

Triển Hành: “Ồ, giàu thế, nhưng có lẽ tốt nghiệp xong em sẽ không… sẽ không làm hướng dẫn viên đâu ạ”.

Thầy phụ trách: “Suy nghĩ thật kỹ đi, em có triển vọng đó”.

Triển Hành bứt cánh hoa cuối cùng, chân thành nói: “Em sẽ suy nghĩ, xin hiến dâng thầy bông cúc của em, một lần hiến cúc trọn kiếp trọn đời”.

Cậu đưa bông cúc trơ trọi cho thầy hướng dẫn, làm ông dở khóc dở cười, sau đó xoay người đi khỏi trường học.

Nắng hè hừng hực chiếu xuống giăng mắc khắp không gian, phủ kín cả một nền trời chiều vô biên vô tận, nắng gắt thiêu đốt làm Triển Hành không mở nổi mắt.

Ở trước cổng trường có một người đàn ông dáng hình cao thẳng đang đứng dựa cửa, tay quay một ống xoay kinh.

Người đàn ông nọ mặc một chiếc cái áo phông tơ tằm đen mỏng, để lộ đường nét cơ thịt thon thả gợi cảm, làn da hơi ửng màu đồng cổ, mặc quần bò đen, đi giày lính, tay trái đeo một chiếc găng hở ngón, đôi mắt sau lớp kính râm như đang nhìn vào giữa con đường nhựa đến thất thần.

Người đàn ông uể oài chìa ngón tay ra, Triển Hành dừng chân, ngơ ngác đứng trước mặt anh.

“Hi… anh bạn, đi đâu thế?”. Anh đặt lòng bàn tay lên cổ Triển Hành, giọng nói gợi tình đầy mê hoặc, bốn năm không gặp, giọng nói ấy càng trở nên đen tối, gợi cảm và trưởng thành hơn.

Dưới ánh nhìn chăm chú của bao nhiêu sinh viên, Lâm Cảnh Phong chăm chú hôn môi cậu.

Lúc rời môi, giọng điệu trầm khàn của Lâm Cảnh Phong như đang khẩn cầu, lại như van xin người yêu tha thứ: “Chúng ta kết bạn được không?”.

Anh trao ống xoay kinh cho Triển Hành.

“Cái gì đây?”. Triển Hành nheo mắt, cười nói.

Lâm Cảnh Phong: “Giấy cam kết đã hứa viết cho em mới làm xong hồi chiều hôm qua đó”.

Dưới ánh nắng mặt trời chói chang, Triển Hành mở ống xoay kinh, lấy một tờ giấy, trịnh trọng mở ra.

Giấy cam kết:

Nay tôi xin cam kết, đời này không bao giờ rời xa Triển Tiểu Tiện nữa, cho đến mãi mãi, không cần biết mãi mãi là bao xa.

Người cam kết: (Chồng em) Lâm Cảnh Phong.

Kết thúc chính văn “Linh hồn nổi loạn”.


Vui lòng click vào dấu mũi tên để lùi hoặc sang chương kế tiếp