LINH HỒN NỔI LOẠN

Chương 21

trước
tiếp

LINH HN NI LON

Tác gi: Phi Thiên D Tường

Người dch: Tàng Thư Quán

 

Tôn Lượng lười nhác dựa lưng lên ghế sô pha: “Biết ngay là bây thích mấy thứ kỳ quặc này mà”.

Triển Hành lấy một điếu thuốc trong hộp thủy tinh ra, Hoắc Hổ vội lục túi áo vest, Tôn Lượng khoát tay ý bảo không cần rồi lấy bật lửa ra châm cho Triển Hành, xong ném bật lửa lên bàn.

“Thức Tàng là cái gì?”. Tôn Lượng hỏi.

Viện trưởng rất nhanh nhạy: “Cậu Triển xuất thân từ gia đình học thức uyên thâm, hay mời cậu nói đi”.

Triển Hành giải thích: “Thức Tàng là một loại Phục Tàng, một hình thức vận động của Phật giáo Tạng truyền[1], Phật giáo Tạng truyền chia làm Hiển Tông và Mật Tông, Phục Tàng trong Hiển Tông thường chỉ trên nghi thức, còn ở Mật Tông thì lại là hành vi thực tế”.

“Thời kỳ đầu, giáo đồ bản địa và giáo đồ Tạng truyền đã trải qua rất nhiều cuộc chiến đẫm máu để diệt trừ nhau…”. Triển Hành nói: “Là sự việc mà rất nhiều tôn giáo trong quá trình phát triển đều từng gặp phải, Phật giáo Tạng truyền cũng không ngoại lệ. Những người đang cầm quyền lúc đó sẽ trấn áp vận động của tôn giáo, thiêu hủy tượng Phật, phá bỏ đền miếu, vào những lúc đó, các tăng nhân sẽ khởi động nghi thức thần bí Phục Tàng trong truyền thuyết”.

Viện trưởng gật đầu bổ sung: “Đúng vậy, vương quốc Cổ Cách trong lịch sử đã chìm trong đêm trường trống rỗng gần một trăm năm trong khoảng thời gian mới lập quốc, giai đoạn đó bị chặt làm đôi, chia làm thời kỳ Tiền Hoằng và thời kỳ Hậu Hoằng”.

“Đó là những năm tháng cực kỳ tối tăm của Phật giáo, nghi thức Phục Tàng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã diễn ra trong giai đoạn diệt Phật này”.

Tôn Lượng: “Thế nó có tích sự gì?”.

Triển Hành nghiêm túc nói: “Phục Tàng chia thành giấu sách, giấu thánh vật và giấu ý thức, cũng chính là Thức Tàng mà vừa rồi quý ngài viện trưởng…”.

“Tôi họ Lý”. Viện trưởng khiêm tốn nói: “Hai từ quý ngài thật không dám nhận”.

Triển Hành: “… mà viện trưởng Lý nhắc tới, giấu sách là giấu kinh văn, giấu thánh vật là giấu pháp khí Mật Tông, những thứ này đều có thể lần ra được; nhưng Thức Tàng thì rất kỳ quái, nó là một kiểu truyền thừa tinh thần. Có thể là những câu thần chú hay truyền thuyết nào đấy, thậm chí là cái gì đó… ẩn giấu sâu trong ý thức con người, trong phù văn, thậm chí là trong hư không, khi gặp phải kiếp nạn mà giáo chúng không thể bảo vệ được, phải nhờ vào sức mạnh của thần linh. Đợi đến khi kiếp nạn qua đi, người ta lại nhờ vào sức mạnh siêu nhiên để khởi động, đưa những mảnh linh hồn này quay về”.

“Thậm chí là cái gì?”. Hoắc Hổ cúi đầu nhìn chằm chằm Triển Hành.

Triển Hành hơi ngạc nhiên, viện trưởng Lý không vui trách cứ: “Ngài Hoắc, hôm nay có phải ngài nói hơi nhiều rồi không”.

Triển Hành vội bảo không sao rồi nói tiếp: “Thậm chí là linh hồn Phật, Mật Tông tin vào luân hồi chuyển thế, mỗi đời Phật sống và đại Lạt Ma đều sẽ chuyển thế, thật ra cứ chuyển tới chuyển lui, bọn họ vẫn là cùng một người? Việc này quá khó tưởng tượng. Nơi “Thức Tàng” không chỉ chôn giấu bảo tàng, mà đôi khi còn chôn giấu ý thức, thậm chí cả linh hồn con người. Ta có thể tưởng tượng rằng có một cái rương báu – giống như chiếc hộp Pandora[2] đi, sau khi mở ra thì có rất nhiều linh hồn bay ra ngoài, tìm thân thể mới để tiến hành chuyển thế. Cái rương báu này chính là Thức Tàng đó”.

Hoắc Hổ lại hỏi: “Cậu tin mấy chuyện này à?”.

Triển Hành dở khóc dở cười, đáp: “Ờ… tôi không tin lắm, đã thấy bao giờ đâu”. Trong lòng cậu hết sức nghi ngờ, Hoắc Hổ và viện trưởng Lý nhìn thì có vẻ là cùng nhau tới đây, nhưng lời lẽ lại không giống bạn đồng hành cho lắm.

Viện trưởng nhận ra sự băn khoăn của Triển Hành, bèn nói: “Vị Hoắc Hổ này cũng là một trong những nhà tài trợ của chúng tôi”.

Tôn Lượng hỏi: “Cậu biết đánh Hoắc gia quyền không?”.

Hoắc Hổ gật nhẹ đầu, không có chút hứng thú gì với Tôn Lượng, Triển Hành cứ cảm thấy ánh mắt đằng sau lớp kính râm của Hoắc Hổ cứ nhìn chòng chọc vào mình.

Triển Hành hỏi: “Hoắc gia quyền là gì? Hoắc Nguyên Giáp à?”.

Tôn Lượng cười giễu: “Còn trước cả Hoắc Nguyên Giáp ấy chứ, là Hoắc Quang”.

Triển Hành ngắm nghía Hoắc Hổ, nhưng anh ta có vẻ không để ý cho lắm.

“Thế này đi”. Tôn Lượng nói: “Cháu trai tôi phải ăn sáng rồi, ngày mai bảo thư ký sửa lại báo cáo, tính xem chi khoản tiền này có đáng chi hay không…”.

Triển Hành: “Cậu hai!”.

Tôn Lượng: “Không được!”.

Triển Hành nhảy dựng lên, vồ Tôn Lượng ngã chổng kềnh trên sô pha.

“Cho con đi cho con đi. Con muốn đi Tây Tạng… òa òa…”.

“Không được! Đêm qua ông đây còn bảo với ba mày là qua Giáng Sinh sẽ tống mày về nhà…”.

“Con muốn đi!”. Triển Hành gào xé ruột gan: “Cho con đi!”.

Viện trưởng: “…”.

Tôn Lượng túm chặt bộ đồ ngủ đề phòng bị Triển Hành kéo tuột, nói: “Tiễn khách tiễn khách!”.

Hoắc Hổ: “Nếu Triển Hành chịu đi cùng chúng tôi…”.

Viện trưởng lập tức can: “Ngài Hoắc, đây không phải chuyện đùa”.

“Tôi có thể đảm bảo an toàn tính mạng cho cậu ấy”. Hoắc Hổ chìa tay ra.

Triển Hành đang túm Tôn Lượng nhìn Hoắc Hổ rất thiếu thiện cảm, nhưng sau đó cũng chìa tay ra bắt tay Hoắc Hổ, xong lại tiếp tục ôm chặt đùi Tôn Lượng, bị Tôn Lượng tha đi.

Hoắc Hổ và viện trưởng Lý chào từ biệt, khi đi vẫn còn nghe thấy tiếng mắng chửi đến nghiến răng nghiến lợi của Tôn Lượng vang vọng trong phòng khách:

“Mẹ kiếp ba nhỏ nhà mày! Kéo tới trứng luôn rồi! Tiểu Tiện! Buông ra…”.

“Cho con đi”.

“Không cho”.

“Cho con đi!”.

“Không cho!”.

Triển Hành lải nhải không ngừng khiến Tôn Lượng nhức đầu muốn chết, hai cậu cháu ngồi trước bàn ăn, người giúp việc dọn bữa sáng lên.

“Có dầu hào không?”. Triển Hành hỏi.

“Ăn sườn dê non cần dầu hào làm gì?”. Tôn Lượng hỏi.

Triển Hành gắt gỏng: “Liên quan đếch gì đến cậu!”.

Tôn Lượng quát ầm lên: “Cậu chủ bảo mang dầu hào lên kìa! Không nghe thấy à!”.

Triển Hành lấy tương hoa quả, đường trắng, bột phô mai, muối, hạt tiêu, tiêu đen, nước tương Lee Kum Kee, dầu hào đổ hết vào ly rượu vang trước mặt.

Tôn Lượng: “???”.

“Cậu hai, cậu không cho con đi chứ gì?”. Triển Hành đanh mặt bưng ly rượu vang lên, lạnh lùng đe dọa.

Tôn Lượng: “…”

Triển Hành: “Đã thế con sẽ uống sạch cái thứ này!”.

Tôn Lượng lập tức kêu lên: “Mấy người còn nhìn cái gì! Kéo nó lại! Giật cái của nợ ấy đi!”.

Buổi trưa:

“Cậu không cho con đi, con sẽ nổ máy cắt cỏ rồi nằm ra vườn”.

“Ờ, máy cắt cỏ ồn ào quá nên nhà cậu nhổ cỏ bằng tay thôi, bây cứ việc ra nằm phơi nắng đi”.

Buổi chiều:

“Cậu có cho con đi không thì bảo! Con sẽ nhảy lầu!”.

“Bắt lấy nó! Lập tức dùng xốp lót kín vườn hoa và sân trước lại!”.

Chập tối:

“Cậu hai…”.

“…”

“Nếu cậu không cho con đi, con sẽ… cậu sẽ… cậu sẽ… sẽ…”.

“Cậu sẽ thế nào? Hả? Nói đi? Cậu sẽ thế nào? Trò vặt của bây đều học từ cậu cả, cậu còn sợ bây à? Bây có giỏi thì cứ cắn lưỡi hay nhịn thở đi!”.

“Cậu sẽ nhận điện thoại, e hèm, của cậu cả”.

Tôn Lượng: “…”

Dư Hàn Phong nói qua điện thoại: “Để nó đi, cứ yên tâm, nó không nhảy nhót gì được ở cao nguyên Thanh Tạng[3] đâu, lượn lờ được hai vòng là thiếu ô xi phải bò ra thôi”.

Tôn Lượng vẫn không yên tâm được, phải nói chuyện đến gần nữa tiếng đồng hồ với Dư Hàn Phong – người anh cả kết nghĩa của mình –  tức cậu cả của Triển Hành đang ở Thượng Hải.

Cuối cùng Dư Hàn Phong chốt: “Nếu có vấn đề gì, anh sẽ liên hệ người tiếp viện”.

Tôn Lượng đến giờ mới gật đầu.

Tôn Lượng vốn không muốn tài trợ cho hoạt động nghiên cứu lần này của khoa Lịch sử trường Đại Học Nhân Văn cho lắm, suốt mấy năm trời rồi có nghiên cứu được cái gì hoành tráng đâu, nên chỉ định miễn cưỡng bỏ chút tiền đuổi ăn mày cho xong.

Nhưng thằng cháu ngoại nhà mình lại cứ khăng khăng đòi đi cho bằng được, Tôn Lượng hết cách, đành coi như bỏ tiền thuê người đi chơi cùng Triển Hành vậy. Bản thân Tôn Lượng cũng chẳng có thời gian, sắp cuối năm rồi có cả núi việc, Triển Hành còn bày đủ mọi chiêu trò, Tôn Lượng đành gạt đôi chồng chồng Triển Lục ở nước Mỹ xa xôi để cho Triển Hành đi vậy.

Tôn Lượng định cho hai vệ sĩ đi theo Triển Hành, nhưng Triển Hành nằng nặc không chịu, thêm vào đó Hoắc Hổ lại chìa ra chứng chỉ và giấy phép võ sư, Tôn Lượng cũng đích thân gọi điện thoại tới Sơn Đông xác nhận rồi.

Đúng thật là truyền nhân đời thứ bảy mươi hai của Hoắc gia quyền.

Hoắc Hổ liên tục đảm bảo: “Tôi sẽ bảo vệ Triển Hành, vệ sĩ của ngài không được tích sự gì đâu, Tây Tạng có rất nhiều phong tục và bí ẩn đằng sau, không phải cứ lôi súng đạn hiện đại ra là có thể giải quyết được”.

Ba ngày sau, Triển Hành đeo một cái ba lô vừa phải đứng ở sân bay cầm lấy hộ chiếu Tôn Lượng đưa cho.

“Cẩn thận đấy, nhớ lúc nào cũng phải mở điện thoại, phải nghe lời viện trưởng Lý, đừng gây họa”. Tôn Lượng nói: “Chú em Hoắc, giúp tôi trông chừng thằng cháu nhé”.

Hoắc Hổ gật đầu: “Tất nhiên rồi”.

Triển Hành cười: “Con sẽ mua quà lưu niệm về tặng cậu, xuân cung đồ Tây Tạng cậu thích không”.

Tôn Lượng mắng: “Mợ mày, đừng để cụt tay rụng chân lết về là tốt rồi! Còn đòi mang đồ gì chứ! Phải chú ý đấy! Chú ý an toàn tuyệt đối! Cậu hai yêu bây, Triển Tiểu Kiện! Đừng để bị con gái Tây Tạng lừa đi mất!”.

Cả đám học sinh cười ầm lên.

Hoắc Hổ làm động tác “mời”, rồi theo Triển Hành vào lối miễn kiểm tra.

Lần này trừ viện trưởng Lý đi theo đoàn còn có thêm một vị giáo sư đầu hói họ Dương, hai nghiên cứu sinh tiến sĩ và bốn thực tập sinh. Hoắc Hổ vừa nhìn là biết ngay đám này là mấy đứa học sinh mơ mộng bay bổng chẳng rành lẽ đời nên không buồn để ý tới nữa.

Triển Hành lên khoang hạng nhất, ném hành lý rồi tựa vào ghế bấm điện thoại, Hoắc Hổ tự giác ngồi bên cạnh cậu, còn giáo sư Dương cùng cả đám học sinh được dắt theo lại thích thú nói luôn miệng, nội dung chỉ quanh quẩn mấy thứ lịch sử phong tục lề thói của Tây Tạng.

Một anh chàng khóa trên giải thích cho cô học sinh nghe: “Nhà Phật bảo nước đầy ắt tràn, trăng tròn lại khuyết, quan điểm triết học từ xa xưa đã chỉ ra rằng, khi mọi vật biến đổi đến một giới hạn nhất định thì sẽ chuyển hóa sang một giai đoạn mới…”.

Triển Hành ù ù cạc cạc: “Nước đầy ắt tràn không phải do Tào Tuyết Cần nói sao?”.

Chàng sinh viên khóa trên: “…”.

Cậu ta không vui khụ một tiếng: “Chào anh, tôi tên Lý Bân”.

Triển Hành bắt tay với cậu ta: “Tôi tên Triển Hành”.

Lý Bân giải thích: “Tôi đang nói đến quan điểm gốc rễ của họ, không chịu tác động của ngoại cảnh, tu hành để đạt tới cảnh giới thong dong bình thản trước mọi việc”, sau đó lại nói với hai học sinh nữ kia:

“Chính bởi vì người cầm quyền Xích Tổ Đức Tán[4] đã tôn sùng Phật giáo quá mức, người ghét nhìn tăng nhân sẽ bị khoét mắt, người nói xấu tăng nhân sẽ bị cắt lưỡi, dẫn tới sự bất mãn của tầng lớp nhân dân lao động dưới đáy xã hội, thế là họ đề cử một người khác là Lãng Đạt Mã – cũng chính là anh trai của Xích Tổ Đức Tán – kế nhiệm Tán Phổ[5] Thổ Phồn. Người này vô cùng tàn ác, ông ta cho phá hủy toàn bộ tượng Phật mà công chúa Văn Thành mang tới, hành động ấy có thể tóm gọn bằng mấy chữ hung ác cùng cực, tội lỗi tày trời”.

“Sự thật chứng minh, tôn giáo có sức mạnh vô cùng to lớn, nó bắt nguồn từ tín ngưỡng, nhưng không chỉ vẻn vẹn trong tín ngưỡng, có thể nói, cuối cùng ông ta đã chết bởi Phật giáo mà mình dốc tinh lực cả đời ra hủy diệt”.

Triển Hành cười xía vào: “Thật ra ấy, tôi cũng biết về ông ta, cá nhân tôi cảm thấy những ý kiến đánh giá về Lãng Đạt Mã có một mâu thuẫn…”.

Lý Bân mỉm cười: “Năm nay anh bao nhiêu tuổi? Tôi biết anh đây là cháu trai của ông chủ Tôn, chắc hẳn là gia đình dòng dõi, theo học ở đâu vậy?”.

Triển Hành đáp: “Quốc tịch Mỹ, đại học California”.

Các học sinh nhao nhao ngạc nhiên, Lý Bân hiểu ra nói: “Học ngành kinh doanh đúng không? Thời buổi này người có tiền đều học ngành kinh doanh cả, làm khảo cổ như chúng tôi chẳng kiếm được bao nhiêu tiền, chỉ làm chuột chũi mà thôi”.

Đám học sinh cười ầm lên.

Triển Hành nghệt mặt: “Chuyện đó thì có liên quan gì tới đề tài chúng ta đang nói?”.

Giáo sư Dương đang ngồi ở hàng ghế sau nhắm mắt nghỉ ngơi thong thả lên tiếng: “Dâng hiến cả đời cho lịch sử và văn minh nhân loại không phải là ước mơ của học giả sao? Ước mơ có thể đo bằng tiền à?”.

Lý Bân chẳng để ý mà nói với Triển Hành: “Mâu thuẫn gì cơ?”.

Triển Hành nhận ra thái độ thù địch của Lý Bân, lúc đầu lên tiếng chẳng qua chỉ để đưa ý kiến thảo luận mà thôi, giống như lời mở đầu “bản thân tôi có một cách nhìn khác” khi muốn đưa ra ý kiến tranh luận về một đề tài nào đó với thầy cô hoặc bạn học vậy. Ai dè Lý Bân lại coi cậu như kẻ phá hoại, Triển Hành ngẫm nghĩ, nếu người ta đã hỏi, mình cũng đành phải chú ý ăn nói vậy:

“Có người bảo rằng thầy bói Trung Quốc có thể tính được số mệnh, đương nhiên cũng có thể xem được ngày nào sẽ có khách tới cửa ngày nào không có mối làm ăn, như vậy chẳng phải sẽ bớt được vài buổi mở hàng sao?”.

Các học sinh đều cười ầm lên.

Triển Hành lễ độ nói: “Về công cuộc diệt Phật của Lãng Đạt Mã, nói thật lòng, tôi cảm thấy có điểm chung với mâu thuẫn này; các tăng nhân đương thời đều có niềm tin tuyệt đối vào tín ngưỡng tôn giáo, niềm tin này xuất phát từ suy nghĩ “người thành Phật có thể biết quá khứ tương lai, hiểu rõ hết thảy”, như vậy đương nhiên, chúng ta có thể giả dụ, tăng nhân tin tưởng vào việc: Phật biết trước hành động của Lãng Đạt Mã”.

“Nếu đã như vậy, tại sao Phật không che chở cho các tín đồ của người? Phật không làm gì cả, khiến cho tín ngưỡng của các tăng nhân dần dần tan rã, rất nhiều quan điểm lấy “nhân” làm gốc rễ, nhưng tôi cảm thấy, tăng nhân đương thời không phải hoàn toàn không có cách chống chọi, mà là do họ tin tưởng, Phật gia coi trọng duyên số…”.

Lý Bân ngắt lời: “Ý của hai chữ duyên số chính là cứ để ông ta diệt Phật một cách trắng trợn sao? Đây mới là mâu thuẫn! Cuối cùng người chính tay giết chết Lãng Đạt Mã tội ác chất chồng chính là một tăng nhân, cậu không biết à?”.

Triển Hành cười nói: “Thế cho nên đây mới là duyên số đó, Lãng Đạt Mã xuất hiện, làm ra bao nhiêu chuyện như vậy, cuối cùng lại ra đi, Phật có thể biết quá khứ tương lai, vậy tại sao trước khi ông ta bắt đầu diệt Phật lại không phái người tới ngăn cản ông ta sớm hơn? Giết ông ta lúc nào, để ai giết ông ta, thời kì diệt Phật kéo dài mấy chục năm hay hơn cả ngàn năm, giết Lãng Đạt Mã là một người hay mấy vạn người, những điều này trong mắt Phật có gì khác nhau à?”.

Lý Bân lại hỏi: “Vậy cậu có biết người đó là ai, sinh ra lúc nào không?”.

Triển Hành lắc đầu nói: “Đại khái có nhớ, nhưng không rõ tên”.

Lý Bân đanh mặt: “Không biết thì chịu khó học, Lãng Đạt Mã chết dưới tay chính mình chứ không phải chết dưới tay Phật, ngay tại ranh giới giữa thời kỳ Tiền Hoằng và Hậu Hoằng, trong vòng một trăm năm sau đó, các tăng nhân xa rời quê hương…”.

“Từ đó về sau”. Triển Hành nói: “Cương thổ của vua tựa như nước mùa đông, từ từ nhỏ xuống; mười điều thiện, như bó lúa hỏng; phúc đức dân Tạng, như nến tàn trong gió; vua trị vì, như cầu vồng tan ra nơi chân trời; hành vi tội ác, như gió cát sa mạc cuốn đi thiện đức”.

Lý Bân ngạc nhiên.

“Nghĩa là sao?”. Các học sinh nữ xì xào khó hiểu.

Lý Bân: “Cậu thuộc Tây Tạng Vương Thống Ký[6]?”.

Triển Hành đáp: “Tôi cảm thấy không giống như anh nói, Phật giáo coi trọng duyên số, cho nên Lãng Đạt Mã tồn tại hoàn toàn phù hợp với sự sắp đặt tuần hoàn theo duyên số của Phật gia, theo đúng nguyên tắc nhân quả của nhà Phật, mọi chuyện xảy ra trên thế giới đều có ý nghĩa của nó, hoặc thành nguyên nhân sáng thế, hoặc thành hậu quả diệt thế”.

Triển Hành dựa vào lưng ghế, thong thả nói tiếp: “Đặt chính mình vào hệ thống tôn giáo, tin tưởng rằng nhân quả và nghiệp báo có ở khắp mọi nơi, như vậy có thể đoán ra được, sự tồn tại của Lãng Đạt Mã và chuyện diệt Phật ắt có nguyên do của nó”.

“Dùng kiếp nạn của Phật giáo Ấn Độ để giải thích, hoặc Lãng Đạt Mã diệt Phật chỉ là một vòng trong bốn kiếp nạn; cũng có thể lý giải theo cách khác, chính là Lãng Đạt Mã không phải loại người như vậy, ông ta chỉ tới để lấy kiếp nạn ngăn kiếp nạn, ông đã chọn thủ đoạn diệt Phật vô cùng đen tối này, để ngăn chặn thành công một sự việc khác còn khủng khiếp hơn”.

“Nghe nói ông ta là một vị vua Tây Tạng rất có trách nhiệm, sức mạnh cực lớn, có thể lấy một chọi trăm, càng chẳng sợ gì thuật Lục thông[7] của Mật Tông, ngày ấy có một tăng lữ từ phương Tây tới, mang đến kiếp nạn quét sạch cả Tây Tạng, bất đắc dĩ ông ta mới phải ra tay để chấm dứt mọi chuyện. Sự thật đã bị chôn vùi trong đêm trường đen tối kéo dài cả trăm năm đằng đẵng, diệt Phật vốn không phải là ý định của ông ta”.

Lý Bân: “Ai nói? Thầy cậu nói à?”.

Triển Hành: “À không, lên đại học tôi đến lớp chưa đầy nửa học kỳ đã bỏ học rồi, vẫn là học kinh doanh thôi”.

Các học sinh đều im lặng, nhìn Triển Hành bằng ánh mắt cảm thông, Triển Hành cười trào phúng: “Những điều này là do ba nói cho tôi biết đó”.

Lý Bân hỏi: “Ba cậu là ai? Phật tử à? Là vị đại sư nào? Ngày nay hòa thượng cũng có thể kết hôn rồi, tôi hiểu mà”.

Triển Hành đáp: “Anh thấy trông tôi giống con lừa trọc nổi tiếng nào đó hả?”. Nói xong Triển Hành không thèm đếm xỉa tới cậu ta nữa.

Máy bay cất cánh, Hoắc Hổ tựa đầu vào lưng ghế, bình luận: “Cậu cứ để thằng nhóc đó nói đi, Lãng Đạt Mã cũng đã chết rồi, lúc còn sống diệt Phật còn chẳng sợ bị đày vào luân hồi không siêu thoát được, chết rồi còn ngại người ta nói xấu nữa sao?”.

Triển Hành nhún vai lè lưỡi.

Hoắc Hổ: “Triển Hành, cậu tới Tây Tạng làm gì, chỉ đi chơi thôi à?”.

Triển Hành nhìn tầng tầng mây trắng chạy qua ô cửa máy bay: “Tôi không biết, chỉ muốn nán lại tổ quốc lâu thêm chút nữa mà thôi”.

Chính Triển Hành cũng không nói rõ được là do đâu, vui chơi chẳng qua chỉ là lý do phụ, quan trọng hơn là, cậu mơ hồ muốn ở lại Trung Quốc thêm một quãng thời gian nữa, như thể chỉ cần ngồi lên phi cơ bay về bên kia đại dương rồi là sẽ không còn cách nào liên hệ với Lâm Cảnh Phong, đến lúc đó cả hai sẽ thực sự trở thành người ở hai thế giới khác biệt rồi.

Triển Hành hỏi: “Còn anh? Sao anh lại tài trợ chương trình này? Tính tiện thể tới Tây Tạng tìm người à?”.

Hoắc Hổ nói: “Không phải tìm người, mà từ nhỏ tôi đã rất tò mò về Tây Tạng, viện trưởng Lý là bạn của ba tôi, lần này tôi chỉ đi theo chơi thôi”.

Triển Hành nghiêng đầu nhìn Hoắc Hổ, cười bảo: “Chơi cái gì?”.

Hoắc Hổ híp mắt lại, đôi ngươi như mèo lập lòe, cười đầy ý vị: “Chơi cậu đó”.

Triển Hành hít sâu một hơi.

Hoắc Hổ gật đầu.

Triển Hành kêu ầm lên: “Cứu tôi với! Có ông chú biến thái quấy rối tôi!”.

Hoắc Hổ: “…”

Biển mây cứ lùi mãi về phía sau, Triển Hành nhảy nhót mệt rồi, bèn tựa vào lưng ghế xiêu xiêu vẹo vẹo ngủ gật mất tiêu.

Trong giấc mộng, có mười hai vị Lạt Ma đi vòng quanh chậu lửa, chắp tay trước ngực hát to bài kinh của giáo phái Ninh Mã[8].

Một tăng nhân ngồi thiền trước chậu lửa, các Lạt Ma rời khỏi sơn động, trong động trống vắng chập chờn hiện lên một gương mặt phụ nữ dịu dàng nói chuyện với ông.

 Lời của nàng vang vọng trong không trung, lời vừa dứt, một cây cung báu khảm đầy tơ vàng sợi bạc rơi xuống, trên cánh cung viết chi chít chữ Tạng.

Tăng nhân phủi hồng bào đứng dậy, cầm cung lên ra khỏi sơn động.

Gần trăm Lạt Ma theo sát sau ông, tay cầm ống xoay kinh, đưa ông tới trước một cung điện nguy nga giữa biển mây bồng bềnh, cung điện xây tựa vào núi, kích thước gần bằng cung điện Potala[9].

Tăng nhân đi lên đỉnh núi, bước tới đại điện rộng lớn, trong điện vang lên giọng nói ồm ồm mạnh mẽ.

Triển Hành rùng mình, cậu từng nghe qua giọng nói ấy, chính là của vị vua Tạng đích thân vung đao cổ chém bay đầu một tăng nhân áo đỏ từ trên núi tuyết đi xuống.

Tăng nhân cung kính đáp mấy câu, vua Tạng mặc áo xanh thêu chín con sư tử, chín con voi, cuồn cuộn như mây, đi ra đại điện, nói với ông ta một câu tiếng Tạng.

Tăng nhân chậm rãi kéo dây cung dài trong tay, trên cung không có mũi tên nào, tiếp đó thả tay.

Triển Hành giật mình mở choàng mắt, nữ tiếp viên hàng không đẩy xe ăn tới.

“Tôi muốn một ly sữa tươi”. Hoắc Hổ nói: “Dậy rồi à? Cậu uống gì?”.

Cảnh tượng trong giấc mơ của Triển Hành vẫn còn dừng ở khoảnh khắc tăng nhân nọ bắn tên.

Trên cung trống không, nhưng sau khi ông ta buông tay, lồng ngực của thủ lĩnh người Tạng lại phụt ra một dải máu tươi sắc nhọn ngược ra sau, như bị một sức mạnh vô hình đâm xuyên qua cơ thể.

Triển Hành: “Tôi… cà phê đi, cảm ơn”.

Hoắc Hổ: “Nằm mơ à?”.

Triển Hành gật đầu: “Anh… cái này sao lại ở trong tay anh?”.

Ngón tay to dài của Hoắc Hổ kẹp chặt một miếng đá vuông, miếng đá lấp lánh ánh vàng như ẩn như hiện giữa nắng trời từ ngoài cửa sổ máy bay chiếu vào.

“Là đồ của cậu à? Vừa rơi xuống đất xong”.

Triển Hành nói: “Ừ, nhưng tôi không mở ra được, chẳng biết bên trong có cái gì nữa”.

Hoắc Hổ gật đầu: “Tôi cũng không mở được”.

Triển Hành uể oải dựa vào lưng ghế, nói: “Tôi đã nằm mơ”.

Cậu nhìn Hoắc Hổ, thấy Hoắc Hổ có vẻ rất hứng thú: “Nói nghe coi?”.

Triển Hành: “Mơ thấy… Trung Quốc vẫn nói có kiếp trước đúng không? Tôi mơ thấy vài chuyện trước giờ chưa từng gặp, có phải tượng trưng cho kiếp trước không, hay cái gì khác nữa? Trong mơ tôi ở Tây Tạng, thấy thủ lĩnh của họ giết một Lạt Ma, rồi có một tăng nhân khác…”.

Chuyện trong mơ Triển Hành vẫn còn nhớ hơn nửa, bèn kể tỉ mỉ cho Hoắc Hổ nghe, sau cùng chốt: “Nó có liên quan gì tới Thức Tàng không nhỉ?”.

Hoắc Hổ: “Trong mơ cậu có hiểu lời bọn họ nói không?”.

Triển Hành mù mịt lắc đầu: “Chả hiểu gì hết”.

Hoắc Hổ: “Ở trong mơ, cậu trở thành người khác, hay là dùng ánh mắt của kẻ ngoài cuộc để chứng kiến toàn bộ quá trình?”.

Triển Hành ngẫm nghĩ: “Người ngoài cuộc”.

Hoắc Hổ: “Thế thì chẳng liên quan gì tới kiếp trước đâu, nếu là ký ức của kiếp trước, cậu phải hiểu cuộc nói chuyện của bọn họ chứ”.

Triển Hành gật đầu, cầm lấy miếng đá Hoắc Hổ đưa trả, cất vào trong túi: “Tôi cứ cảm thấy… ông anh, anh muốn ăn một miếng không?”. Triển Hành kéo nửa ba lô ra, có thịt bò khô bên trong.

Triển Hành phát hiện mắt Hoắc Hổ cứ dán chặt vào túi bò khô, thế là bèn lấy ra.

Hoắc Hổ cầm túi bò khô mừng như điên: “Sau này nước sôi lửa bỏng quyết không từ nan, em trai, cứ gọi anh là anh Hổ! Chúng ta là người một nhà rồi!”.

Triển Hành: “…”

Trong mắt Hoắc Hổ tràn đầy ánh sáng hạnh phúc, chính Triển Hành cũng chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ mất có một túi bò khô mà thêm được một ông anh rồi.

 

Chú thích:

[1] Phật giáo Tạng truyền là một bộ phận văn hóa tư tưởng của Phật giáo Hiển tông Đại thừa và Phật giáo Mật Tông Kim Cương thừa từ Ấn Độ truyền vào Tây Tạng trong khoảng thế kỷ thứ VII – XI.

[2] Pandora là chiếc hộp thuộc về nàng Pandora – người phụ nữ đầu tiên đến thế giới loài người trong thần thoại Hy Lạp. Nàng đã được Zeus dặn kĩ không được mở chiếc hộp đó ra, nhưng do tò nàng đã mở hộp, khiến cho tất cả những điều bất hạnh tràn ra khắp thế gian: thiên tai, bệnh tật, chiến tranh… cuối cùng, chiếc hộp chỉ còn sót lại một chút “hy vọng” mang tên Pandora cho loài người sống tiếp.

[3] Cao nguyên Thanh Tạng (gọi tắt của cao nguyên Thanh Hải – Tây Tạng) là vùng đất rộng lớn và cao nhất Trung Á cũng như thế giới, với độ cao trung bình trên 4.500 mét so với mực nước biển, bao phủ phần lớn khu tự trị Tây Tạng và tỉnh Thanh Hải của Trung Quốc cũng như vùng Ladakh tại Kashmir của Ấn Độ.

[4] Tức vua Khritsu Detsan hay Ralpacan (806-838) của Thổ Phồn, tại vị từ năm 818 đến năm 838. Khi còn tại vị, ông hết sức tôn sùng Phật giáo, cho sưu tập kinh điển nhà Phật dịch ra tiếng Tây Tạng, đồng thời ra quy định cứ bảy hộ dân phải nuôi một tăng lữ, làm dấy lên sự bất mãn của nhân dân. Năm 838, nhóm chống phá Phật giáo do một số đại thần chủ mưu đã giết vua Khritsu Detsan và đưa Langdarma (Lãng Đạt Mã) lên thay, gây sức ép để đàn áp Phật giáo.

[5] Chỉ lãnh tụ tối cao hoặc người đứng đầu đế quốc Thổ Phồn.

[6] Một bộ sách sử do vị vua thứ mười bốn Tát Già Pháp Vương của Tây Tạng biên soạn.

[7] Lục thông chỉ sáu loại cảnh giới thần thông, bao gồm thần túc thông (tuệ tính thông suốt), thiên nhãn thông (con mắt thần thông trông suốt hết mọi nơi), thiên nhĩ thông (đôi tai nghe được mọi chuyện trên đời), tha tâm thông (biết rõ lòng người khác), túc mệnh thông (biết trước được số mệnh), lậu tẫn thông (biết hết mọi bí mật).

[8] Phái Ninh Mã cũng được gọi là Cựu phái hoặc Cổ mật vì được sáng lập từ lần đầu Phật giáo truyền qua Tây Tạng, hoặc Hồng giáo vì các tu sĩ phái này thường mang y phục màu hồng (hoặc mũ màu hồng), là một trong bốn tông phái chính của Phật giáo Tây Tạng.

[9] Cung điện Potala nằm ở Lhasa, khu tự trị Tây Tạng, đã từng là nơi ở của các đời Đạt Lai Lạt Ma cho đến đời thứ 14 thì lưu vong sang Dharamsala, Ấn Độ sau một cuộc khởi nghĩa thất bại vào năm 1959.


Vui lòng click vào dấu mũi tên để lùi hoặc sang chương kế tiếp