LẬP THỆ THÀNH YÊU

Chương 38

trước
tiếp

Lập Thệ Thành Yêu – Chương 38

Tục truyền rằng, Côn Lôn sơn chính là do chiếc búa Bàn Cổ trong tay Bàn Cổ biến thành, trên xuyên tận chín tầng trời, dưới cắm qua chín tầng địa ngục. Là thủy tổ của Thập Vạn Đại Sơn[1] từ thời hỗn độn sơ khai, cũng là nơi cấm địa của thần phật chư thiên sau bao đời tang thương biến đổi.

Tên Nát Rượu nhớ nhung hoa tửu lâu rồi không thưởng thức, cả đêm nhộn nhạo sắc tâm nên đã chuồn đi rồi. Tôi và Liễm Trần thì không lòng dạ chơi bời như thế, cùng đi thẳng đến nơi cần đến.

Ngồi ở trên đụn mây phi vun vút, tôi chống cằm quan sát những mảnh đất địa linh nhân kiệt như ẩn như hiện giữa tiên khí mờ ảo vô hạn, buồn chán mở miệng cảm thán: “Những sinh vật bình thường chẳng thể trông thấy cảnh vật hoành tráng hùng vĩ này, đây mới là nỗi tiếc hận không gì sánh được nha ôi tiếc hận à tiếc hận!”.

Liễm Trần vẫn đứng yên bên cạnh tôi vẫn giữ nguyên biểu cảm nghiêm túc, thật thà đáp lại: “Ngày đó Hồng Quân để tránh cho linh mạch nơi này bị đại hồng thủy làm hao tổn, cho nên đã tạo một phong ấn trước khi tạ thế, để cho hầu hết vùng đất này tồn tại độc lập giữa thời không, không bị ảnh hưởng bởi đổi thay của tam giới. Cho nên, thứ mà sau này người đời thấy được, chẳng qua chỉ là một đoạn chân núi của cả ngọn Côn Lôn mà thôi”.

“À, chính là trận hồng thủy do Cộng Công đánh sập Bất Chu sơn[2] tạo thành đúng không?”.

Liễm Trần gật đầu: “Trận đại hồng thủy đổ ập xuống đã khiến cho linh khí vốn tràn đầy trong thiên địa mất đi tám chín phần mười, chỉ có Côn Lôn sơn là không bị tổn hại gì”.

Tôi thầm bĩu môi, không nén nổi một tiếng hừ, lời nói chẳng thèm khách khí nữa: “Mặc dù trước nay ta đây chỉ là kẻ kém cỏi dốt nát ăn no chờ chết, nhưng ta cũng đã từng nghe qua cái gọi là “Tiên hữu Hồng Quân hậu hữu thiên”. Hồng Quân lão tổ đó đã tồn tại từ trước khi Bàn Cổ vén màn hỗn độn, nếu đã lợi hại như vậy, vì sao lại không nghĩ cách phòng ngừa tai họa xảy ra, trái lại chỉ lo bảo vệ địa bàn của chính mình chứ? Cho dù ta chưa từng trải qua, nhưng cũng biết trận đại hồng thủy cuốn phăng toàn bộ thế gian đó đáng sợ đến cỡ nào. Cũng có thể, những chuyện như sinh linh đồ thán đối với các vị đại thần thượng cổ cực kỳ lợi hại như các huynh mà nói, chẳng qua chỉ là quá trình tất yếu phải trải qua để đạt được mục đích nào đó, là cái gì phải trả mà thôi?”.

Lần này, Liễm Trần lặng thinh một lúc lâu, sau đó mới chậm rãi nói: “Tiêu Dao, có rất nhiều chuyện, dựa vào sức người không sao thay đổi được, đến Bàn Cổ cũng phải bó tay. Nếu không, sao ông ấy nhẫn tâm tận mắt chứng kiến thế gian do chính mình tự tay tạo ra phải chịu đựng tranh chấp tàn phá không ngừng, ôm nhiều tiếc nuối không thể vãn hồi như vậy? Cho nên, mặc dù sớm đã biết kết cục, Hồng Quân cũng không cách nào nhúng tay. Thứ ông ấy có thể làm, chỉ là dùng hết sức mình bảo vệ địa mạch Côn Lôn, bảo vệ cho các đệ tử của mình chốn tị thế tu hành không bị những biến thiên ngoài kia tác động. Nhưng mà… có lẽ quả thật tính trăm vạn đường cũng không qua khỏi thói đời hắc ám, chiến dịch Phong Thần[3], rốt cuộc vẫn không sao tránh khỏi”.

Tim tôi đột nhiên ngừng giật thột, quay đầu thoáng nhìn tay áo trắng muốt ẩn hiện trong mây, chung quy cũng không lên tiếng.

Trận chiến Phong Thần diễn ra hai nghìn năm trước, loài người vĩ đại đã dùng óc tưởng tượng ngút trời có thể khiến quỷ thần khóc thét của họ mà sáng tạo nên rất nhiều phiên bản khác nhau.

Trong đó câu chuyện được lưu truyền rộng rãi nhất, chính là: tên xúi quẩy Thương Trụ Vương ăn no rửng mỡ đã viết một bài thơ mát mẻ ca ngợi vẻ đẹp tiêu hồn của Nữ Oa nương nương, khiến cho Nữ Oa cho rằng mình đường đường thần tiên một cõi mà lại bị một con người ngu xuẩn đùa giỡn mà tức giận vô cùng, bèn phái một hồ ly tinh xuống làm cho Trụ Vương vốn có thể coi là minh quân trở thành hình tượng bạo quân điển hình cho hậu thế. Kết quả dẫn đến dân chúng lầm than, tiếng oán hận nổi lên bốn phía, vô số người làm ầm lên đòi khởi nghĩa. Ầm ĩ một hồi, loài người chém giết nhau đến đuối sức thê thảm, rốt cuộc kinh động đến các vị thần ở trên núi Côn Lôn.

Đã là đánh nhau, thì thế lực phải ngang nhau thì mới hấp dẫn.

Cho nên các vị thần cũng rất biết tiếp thu mà dựa theo hình thức hóng hớt của quần chúng mà chia họ thành hai phe phái, bao gồm Xiển giáo[4] đại diện cho chính nghĩa và Tiệt giáo[5] nối giáo cho giặc.

Thủ lĩnh của hai giáo phái này là hai đệ tử của Hồng Quân lão tổ, Nguyên Thủy Thiên Tôn và Thông Thiên Giáo Chủ.

Cứ đánh nhau loạn xì ngậu suốt nhiều năm, cuối cùng cũng phân được thắng bại.

Tiệt giáo thất bại, ngay cả giáo chủ cũng chết tan nát hồn vía, Xiển giáo thắng lợi thì được đại ca Ngọc Đế thưởng lớn, tất cả các đệ tử đều thay da đổi thịt lên trời làm quan. Đương nhiên, ngoại trừ Dương Tiễn xác thịt đã thành thánh.

Cuối cùng ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác, cuối cùng ai cũng vui mừng.

Đây, cũng là đầu đuôi câu chuyện được kể lại trong “Phong Thần Diễn Nghĩa”.

Nếu như có cơ hội được trở thành phát ngôn viên của người khởi xướng cái màn ẩu đả khiến cho tam giới loạn tùng phèo cả lên thế này, tôi nhất định phải nói…

Làm nữ nhân khó, làm nữ thần càng khó hơn, làm nữ thần chết rồi còn trúng tên[6] càng khó hơn gấp bội. Tập trung nằm yên cả tám nghìn năm, nằm yên cũng trúng tên, tôi phải vì chính mà mình lên tiếng, tôi là Nữ Oa…

Chưa nói đến chuyện hơn vạn năm trước Nữ Oa và Phục Hy cùng các vị lão thần đã cùng tạ thế tan biến giữa thiên địa, chỉ nói đến một lần thay triều đổi đại bình thường của nhân giới cũng có thể kinh động các vị thần ở Côn Lôn ra tay, thật đúng là quá vớ vẩn.

Dương Tiễn học nghệ thành tài rời khỏi Côn Lôn, chỉ đơn thương độc mã mà có thể quậy cho thiên đình thua liểng xiểng, nếu như có hàng ngàn hàng vạn Dương Tiễn cùng nhau kéo đến gây lộn…

Thực sự là ngẫm lại tôi cũng phải sợ hãi rơi lệ thay cho Ngọc Đế mất thôi…

Trở lại vấn đề chính, sự thật rốt cuộc là thế nào đây, tôi cũng không rõ ràng cho lắm. Chỉ là trong quãng thời gian say sưa túy lúy cùng Tên Nát Rượu, tôi từng mơ hồ nghe hắn lải nhải bừa bãi mấy câu. Có điều hôm nay, kết hợp với những lời nói của Liễm Trần, dường như cũng có thể đoán ra vài manh mối.

Đúng như Liễm Trần nói, từ sau khi đại hồng thủy phá hủy linh mạch, thì không còn ai có tu vi rung chuyển được trời đất nữa. Nhưng mà các đệ tử ở trên đỉnh Côn Lôn sừng sững của Hồng Quân, thì lại dần dần mạnh lên, cứ như vậy mãi, e rằng sẽ có lúc không khống chế nổi.

Cho nên, mới có cái gọi là đại chiến Phong Thần.

Tiệt giáo bị tiêu diệt, hầu hết đệ tử Xiển giáo đều trở thành những nhân viên công vụ nhàn hạ, tu vi mãi mãi không tăng tiến của thiên đình.

Lấy lưỡng bại câu thương làm cái giá phải trả, đổi lấy kết cục cân bằng của tam giới.

Chỉ là không biết, bày ra trận cờ này, là vị Nguyên Thủy Thiên Tôn mãi mãi đóng cửa tu hành sau chiến dịch Phong Thần, là Thông Thiên Giáo Chủ đã hồn phi phách tán, hay là bàn tay nào khác ở phía sau. Là ai cũng được, người ấy có từng hối hận hay không?

Chỉ là không biết, những người chết đi ù ù cạc cạc, những người mơ mơ màng màng làm quan, đối với việc bản thân biến thành quân cờ hay bị vứt bỏ, có từng oán hận hay không?

Nhưng mà, âm mưu quỷ kế diệt trừ dị kỷ cũng được, đạo đức tốt đẹp tự nguyện hi sinh cũng tốt, nói gọn lại chẳng qua là một câu nói – chim dậy sớm thì ăn được sâu, chim dậy muộn chỉ ăn được đạn.

Trang Bức bị sét đánh, Ngưu Bức bị trời phạt, tìm ai mà đòi lý lẽ đây?

Kết thúc màn tức cảnh sinh tình vô nghĩa, tôi vỗ quần áo đứng dậy, khoát tay với Liễm Trần: “Ta đến nơi rồi, tạm biệt”.

Y chậm rãi hạ đụn mây xuống, dừng lại trên đỉnh Côn Lôn quanh năm thắng tuyết, cúi rủ mắt nhìn tôi, mỉm cười, nhẹ nhàng nói: “Bảo trọng”.

Tôi vừa nhảy khỏi đụn mây, y lập tức xoay người đi, chớt mắt không thấy đâu nữa.

Tôi đứng tại chỗ vân vê mũi, thở dài không rõ.

Đúng là ngay một lời khách sáo cũng không có, một tiếng “tạm biệt”, cũng không muốn nói sao?

 

Chú thích:

[1] Một dãy núi dài khoảng 170 km, rộng khoảng 15–30 km ở đông nam Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. Dãy núi này chạy theo hướng đông bắc-tây nam với phía nam về tổng thể cao hơn phía bắc. Đầu phía đông bắc bắt đầu ở Khâm Châu; đầu phía tây nam ở huyện Ninh Minh sát biên giới với Việt Nam. Đỉnh cao nhất trong Thập Vạn Đại Sơn có độ cao tuyệt đối là 1.462 m.

[2] Một dãy núi trong truyền thuyết của Trung Quốc, nhiều tài liệu lịch sử ghi chép lại cho rằng Bất Chu Sơn là dãy núi thuộc phía tây Côn Lôn.

Chuyện kể rằng vào thời Tam Hoàng Ngũ Đế, Cộng Công cùng hậu duệ của Hoàng Đế là Chuyên Húc tranh đoạt thiên hạ, Cộng Công thua cuộc giận dữ húc đổ Bất Chu sơn, từ đó trụ trời đứt gãy, đất nứt ra, trời nghiêng về Tây Bắc, mặt trời trăng sao di chuyển về Tây Bắc, đất sụp về Đông Nam, sông ngòi kênh rạch đổ dồn về Đông Nam.

[3] Theo truyền thuyết, sau khi Nữ Oa đội đá vá trời, phân chia trời đất ra khỏi mớ hỗn độn ban đầu, vạn vật mới có sự sống. Tuy nhiên thần tiên cai quản trên trời chưa có ai, nên cần phải có chiến dịch sắc phong chức thần cho những người có công với trời đất. Cũng theo truyền thuyết này, Trung Quốc đã có hai lần Phong Thần: Lần thứ nhất xảy ra vào thời Tam Hoàng Ngũ Đế, thủ lĩnh của ba bộ tộc lớn nhất gồm Hoàng Đế (Hiên Viên), Viêm Đế (Thần Nông) và Xi Vưu đã huyết chiến nhiều năm liên tục để thống nhất thiên hạ. Cuối cùng Hoàng Đế đại thắng. 365 vị anh hùng được phong làm thần. Cánh cửa giữa hạ giới và tiên giới được mở ra.

Lần Phong Thần thứ hai xảy ra vào thời nhà Chu. Trải mấy vạn năm, con cháu của các dòng họ trên lại vướng thêm vào một trận hào kiếp nữa, đó là khi nhà Chu, dưới sự điều binh khiển tướng của đại vương Cơ Phát và đạo sĩ Khương Tử Nha, đã cùng nhau đứng dậy chống lại Nhà Thương. Những người này đều được ghi tên trong Bảng Phong Thần do Bá Giám quản lí, mà người chịu trách nhiệm là Khương Tử Nha. Truyền thuyết này đã được nhà văn Hứa Trọng Lâm ghi lại và sáng tạo thêm trong tiểu thuyết “Phong Thần Diễn Nghĩa”.

[4] Giáo phái do Nguyên Thủy Thiên Tôn (đệ tử thứ hai của Hồng Quân Lão Tổ) sáng lập, quy định chỉ những người có cốt cách thì mới được tu tiên học đạo. Trong đó, Khương Tử Nha là đệ tử đời thứ hai, Dương Tiễn là đệ tử đời thứ ba của Xiển giáo.

[5] Giáo phái do Thông Thiên Giáo Chủ (đệ tử thứ ba của Hồng Quân Lão Tổ) sáng lập, sánh cùng Xiển Giáo và Lão giáo thời đó. Giáo phái này không những nhận các đồ đệ là người mà còn nhận các đồ đệ là các con vật, như Quy linh thánh mẫu, chủ trương “Hữu giáo vô loài”… Theo như truyện Phong Thần Diễn Nghĩa thì vua Trụ triều Thương cũng là một trong các học trò của Triệt giáo, được vô số các học trò khác của đạo Triệt xuống giúp đỡ, nhưng vì vô đạo mà mất ngôi, phải tự thiêu mình ở lầu Trích Tinh.

[6] Nguyên văn là “Đầu gối trúng tên”, là ngôn ngữ mạng thịnh hành ở Trung Quốc, vốn xuất phát từ lời kịch trong một bản Game Online: “I used to be an adventurer like you, then I took an arrow in the knee”, tạm dịch: “Tôi đã từng là một người phiêu lưu như cậu, cho đến khi đầu gối trúng tên”, lời thoại này lặp đi lặp lại khá ấn tượng nên đã vượt xa khỏi bối cảnh ban đầu mà trở thành ngôn ngữ mạng của giới trẻ. Sau này, “đầu gối trúng tên” còn được dùng với nhiều ý nghĩa khác nữa, như chỉ người vô tội chẳng may bị liên lụy (tương đương với câu “nằm yên cũng trúng đạn”), hay chỉ những chuyện khó khăn gian khổ mà người nào đó đã từng trải qua.


Vui lòng click vào dấu mũi tên để lùi hoặc sang chương kế tiếp