ĐẠI ĐƯỜNG MINH NGUYỆT (QUYỂN 1-4)

Sổ tay sinh tồn triều Đường - Bài 10: Làm khách

trước
tiếp

Sổ tay sinh tồn triều Đường – Bài 10: Làm khách

Tên truyện: Đại Đường Minh Nguyệt

Tác giả: Lam Vân Thư

Người thời Đường rất thích quan hệ giao lưu, từ Hoàng đế cho đến dân thường, ngày lễ ngày tết đều thích tổ chức tiệc tùng cả.

Chuyện tiệc tùng thì vấn đề đầu tiên là ngồi.

Thời Đường đã có ghế băng dài, nhưng mà bình thường sử dụng khá đại khái (Thời Đường có một chuyện rất thú vị, chính là cung đình còn đại khái hơn cả bên ngoài). Mà chuyện cần chú ý là, loại ghế dài thời Đường có mặt ghế rất rộng, khoảng chừng hai thước. Vì sao phải rộng như vậy, bởi vì người thời Đường không phải ngồi thả chân xuống, mà là quỳ trên ghế, hoặc khoanh hai chân trên ghế… người ta là xem cái ghế như cái chiếu mà ngồi.

Chính thức ra thì người ta vẫn ngồi chiếu, trước mỗi cái chiếu sẽ đặt một cái bàn, đây là phối trí tiêu chuẩn của yến tiệc thời Đường.

Cho nên tham gia kiểu yến tiệc này, thì điều đầu tiên bạn phải chú ý là cởi giày để ngoài thềm… nếu không mọi người đi giày dẫm tới dẫm lui thì cái chiếu còn ngồi được không?

Nếu như bạn là khách quý, chủ nhân sẽ đưa bạn đến thềm phía Đông (nếu không đủ quý bạn nên tự động lăn về phía Tây đi thôi, nhất là thân thích trong nhà thì đi phía Đông chính là trò cười đó), sau đó thì sao, bước lên từng bước nhỏ, chính là một chân bước lên bậc thềm, cái chân còn lại bước theo, hai cái chân cùng đứng, rồi lại đi tiếp bậc thềm nữa, cái này gọi là “tề túc” (ý là sợ khách không theo kịp), một bước đi một bậc thềm, gọi là “lịch giai”, không lễ phép.

Những cái này đều là nghi lễ cổ, không phải tất cả yến hội thời Đường đều coi trọng món này. Nhưng gặp người nào coi trọng, bạn phải ráng chịu đi!

Được rồi, lên cũng lên rồi, giờ bạn phải vào chỗ ngồi thôi.

Cổ nhân ngồi vào chỗ trong yến hội thật ra không phổ biến chuyện ngồi một mình, bình thường chỉ có ba loại người gồm người địa vị tôn quý nhất, trong nhà có tang sự, hoặc cha mẹ đổ bệnh, thì mới ngồi một mình, có vị trí riêng.

Bình thường thì chiếu tương đối dài, sẽ có một hàng chiếu ngồi bốn người (nếu vừa vặn có năm khách thì xử lý thế nào? Thì người tôn quý nhất ngồi một chỗ đi).

Cổ nhân hết sức coi trọng số ghế, bình thường mà nói, nếu như ngồi ở trong phòng, ví dụ như bảy tám người, chia ra ngồi bốn phương tám hướng, thì rìa Tây là tôn quý nhất (ý nghĩa là ngồi “hướng Đông”, “ngồi mái Đông”, chính diện hướng Đông), trong ghi chép lịch sử về các loại hình Hồng Môn Yến, thường sẽ thấy Hạng Vũ ngồi hướng Đông, ý nói ổng tự cao tự đại, ngồi hướng tôn quý nhất. Tiếp theo là rìa Bắc, hướng về phía Nam; tiếp theo rìa Nam, kém nhất là rìa Đông.

Nhưng có một loại tình huống khác, giống như chúng ta thường thấy trên TV, trên đại điện dài thì có hai dãy người ngồi hai hướng Đông Tây, Hoàng đế ngồi ở chính giữa, kiểu này cũng phù hợp cổ lễ, được gọi là “Hướng Đông hướng Tây, lấy Nam làm thượng” (Trích “Lễ Ký”). Phù Dung Yến chính là sắp xếp như vậy, hai hàng Đông Tây trải dài tám chín tấm chiếu, trên mỗi tấm chiếu có bốn người ngồi (cùng ngồi trên một tấm chiếu thì càng gần phía Nam địa vị càng cao), chủ nhân ngồi ngay rìa chính Nam.

Như vậy trong loại tình huống này thì thủ tịch chính là chỗ ngồi gần chủ nhân nhất ở phía Tây kia, gần phía Đông nhất là thứ tịch, cứ thế mà suy ra.

Cổ nhân ngồi chiếu không phải cứ thế trực tiếp qua ngồi, như thế rất không lễ phép, nhất định phải dùng hai tay nhấc váy (hình như gọi là “vén áo”), bước nhỏ đi đến chiếu, từ phía sau đi đến vị trí của mình.

Hơn nữa không phải cứ ngồi khư khư ở đó, nếu có người địa vị tôn quý đi qua, hoặc là người khác đến mời rượu, nhất định phải rời chiếu, quỳ xuống đất hành lễ, gọi là “tị tịch”, lấy đó làm tôn trọng… Sau khi Võ Tắc Thiên cầm quyền, nữ nhân cũng không cần cứ quỳ tới quỳ lui, hành lễ vạn phúc là được, gọi là nam quỳ nữ không quỳ.

Nếu trong tình huống trả lời người khác, thì phải quỳ thẳng lên (gọi là “tất tịch”), chân vẫn ở tư thế quỳ, nhưng thân trên phải thẳng, biểu thị tôn kính… nhưng nếu như người tôn quý hơn đến mời rượu mà bạn vẫn quỳ thẳng, đó chính là không lễ phép, cổ đại từng có huyết án xảy ra vì chuyện đó mà.

Lúc uống rượu, chủ nhân mời rượu, xưng là “tương thù” (cùng nâng chén), bình thường có lễ một chén, lễ ba chén. Người thời Đường lúc mời rượu, phải đem móng tay duỗi vào trong rượu, gọi là “nhúng móng”, sau đó gảy đi gảy lại trong không trung, biểu thị rất lễ phép.

Chủ nhân mời một chén xong khách có thể mời lại… Chính là dựa theo chỗ ngồi, theo thứ tự lẫn nhau mời rượu, cùng giống như truyền hoa ấy.

Cánh đàn ông uống rồi, chủ nhân vẫn xuống mời rượu theo thứ tự, ngâm thơ ca hát, khuyến khích bạn uống rượu, bạn cũng phải ngâm lại, nói chung sống ở thời Đường mà không biết làm thơ thì sống làm sao, uống xong còn phải nhảy múa, cái này gọi là lấy múa làm thân… Lý Thế Dân thường xuyên làm vậy, đây là kiểu múa hữu nghị thời cổ đại. Không biết múa ư? Bạn tự nghĩ cách đi.

Yến hội của nữ nhân, trong lịch sử không có ghi chép, phỏng chừng cũng không khác mấy, bởi vì công chúa Thái Bình cũng từng nhảy múa ngay trong yến hội…

Được rồi, ăn uống no đủ, cuối cùng có một cái đĩa được bưng lên, một bên là sữa, một bên là rượu, bạn uống mỗi thứ một ngụm, tỏ ý hương vị cũng không tệ… tỳ nữ choáng váng: “Nương tử, đây là lấy ra súc miệng đó…”

Yến hội kết thúc, người ta còn phải tặng quà… đúng rồi bạn đọc không nhầm đâu, chủ nhân tặng quà cho khách, đây mới phù hợp với lễ nghĩa cổ.

Cho nên tham gia yến hội thời Đường cũng không tệ, được ăn được nói được gói mang về, có điều hơi phiền phức thôi.


Vui lòng click vào dấu mũi tên để lùi hoặc sang chương kế tiếp